PGS, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sẵn sàng tất cả hệ thống phần mềm, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, bộ đã tập huấn kỹ cho thí sinh 63 tỉnh, thành phố từ ngày 17/4. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có bộ phận thường trực 24/24 giờ trong ngày để hỗ trợ xử lý các tình huống nếu có.
Cũng theo PGS, TS Huỳnh Văn Chương, ngày 26/4, Hệ thống quản lý thi bắt đầu mở cho phép thí sinh đang học lớp 12 đăng ký thử dự thi. Kết quả, đã có 63 tỉnh, thành phố triển khai cho thí sinh đăng ký thử, với tổng số gần 140.000 em đã đăng ký dự thi thử thành công.
Từ ngày 26 đến 17 giờ ngày 30/4, các thí sinh tiến hành đăng ký dự thi thử, sau thời gian này dữ liệu phiếu đăng ký sẽ bị xóa để phục vụ triển khai chính thức. “Nếu có vướng mắc trong quá trình đăng ký thi thử, thí sinh trao đổi ý kiến với nhà trường để nhà trường báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quá trình đăng ký dự thi thử hiện chưa ghi nhận các tình huống phát sinh”, Cục trưởng Quản lý chất lượng nêu.
Thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi THPT từ ngày 4 đến 17 giờ ngày 13/5. Đây là khoảng thời gian khá dài để thí sinh đăng ký, bảo đảm chính xác mọi thông tin. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các đơn vị đăng ký dự thi chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc đăng ký dự thi; tổ chức kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh đăng ký dự thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, các đơn vị lưu ý thông tin về diện ưu tiên, điểm khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và thông tin để hưởng ưu tiên trong xét tuyển sinh đại học - cao đẳng; tổ chức lưu giữ hồ sơ đăng ký dự thi của các đối tượng dự thi.
Cục trưởng Quản lý chất lượng cũng đặc biệt lưu ý, thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần tô đúng số báo danh, mã đề, phương án thí sinh chọn trả lời. Nếu tô sai, cần tẩy sạch ô bị tô sai.
Điểm mới năm nay là thí sinh không phải nộp minh chứng về nơi thường trú. Về cung cấp minh chứng đối tượng ưu tiên khi đăng ký dự thi, PGS, TS Huỳnh Văn Chương cho biết, những nhóm ưu tiên không phải xác nhận về nơi thường trú, thì phải nộp các minh chứng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn ở Công văn số 1515 và thông tư quy chế thi tốt nghiệp THPT. Với đối tượng ưu tiên thuộc diện 2, 3 liên quan đến nơi thường trú, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an sẽ xác nhận thông tin thí sinh đã khai báo. Như vậy, thí sinh không phải nộp hộ khẩu thường trú, chỉ cần khai báo thông tin trên hệ thống đăng ký dự thi.
Với thí sinh, năm nay, các em cần đọc kỹ điều khoản quy định những vật dụng được mang vào phòng thi, lưu ý để không bị vi phạm quy chế thi. “Tôi muốn nhấn mạnh, thí sinh không nên tự tạo áp lực cho bản thân. Các em hãy giữ tinh thần thoải mái, tự tin để bước vào kỳ thi trước mắt”, PGS, TS Huỳnh Văn Chương nhắn nhủ. Điều quan trọng là thí sinh nghiên cứu về đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, đặc biệt là những câu có độ phân hóa cao để chuẩn bị tâm thế ôn tập, làm bài tốt.
Thời gian công bố điểm thi vào 8 giờ ngày 18/7.
GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đến ngày 26/4/2023, chúng tôi nhận được 88.910 lượt đăng ký dự thi Đánh giá năng lực (HAS). Các đợt thi tháng 3 và tháng 4 đã hoàn thành, phục vụ 43.761 thí sinh với tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 97,3%. Phổ điểm thi của bốn đợt đầu tiên theo phân bổ chuẩn, điểm trung bình 75,2/150; trung vị là 75,0/150; độ lệch chuẩn 13,7.
Sau bốn đợt thi năm 2023, đã có hơn 30 thí sinh vi phạm kỷ luật thi. Con số này gần bằng số lượng thí sinh vi phạm năm 2022. Theo Quy chế thi Đánh giá năng lực (HAS), thí sinh có các vật dụng không được mang vào phòng thi, thí sinh sao chép, tiết lộ một phần câu hỏi, dữ kiện của đề thi trong quá trình làm bài hoặc sau khi kết thúc đợt, đều bị đình chỉ, hủy kết quả bài thi và dừng phục vụ các đợt thi còn lại.
Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai sử dụng thiết bị dò quét kim loại, truyền tin trước khi thí sinh vào khu vực thi đã ngăn ngừa thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Hầu hết thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng atlat Địa lý Việt Nam có ghi các công thức, ký hiệu thêm, chép đề thi…. Một số thí sinh cố tình tiết lộ một phần dữ liệu câu hỏi thi sau khi kết thúc đợt thi cũng bị phát hiện và hủy kết quả thi theo đúng Quy chế.
GS, TS Nguyễn Tiến Thảo thừa nhận, một số nhóm luyện thi lập tài khoản ảo để lôi kéo thí sinh, giả làm thí sinh vừa thi đạt 126/150 nhưng thực tế đến thời điểm này không có thí sinh đạt điểm 126. “Điểm chung nhất là các tài khoản thảo luận đều là tài khoản ảo và không có thông tin xác thực. Nếu không tỉnh táo chúng ta sẽ bị các tài khoản ảo này kéo vào ma trận luyện thi. Về mức độ lặp lại của câu hỏi, chúng tôi xác nhận là có một tỷ lệ dưới 0,5% câu hỏi lặp lại, vì máy tính làm việc khách quan quét từ ngân hàng câu hỏi được rút ra từ ngân hàng dữ liệu đề thi”, ông Thảo khuyến cáo…
Hiện tại, đã có 74 trường đại học tuyên bố dùng kết quả bài thi HAS để xét tuyển. Về công tác tổ chức thi, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có quy chế phối hợp với Bộ Công an trong đó có hạng mục về bảo vệ an toàn kỳ thi HAS. Các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm chúng tôi đều tập hợp thông tin, hồ sơ chuyển cho đơn vị chức năng xử lý thời gian tới.