Đa dạng và định vị lại chuỗi cung ứng vaccine Covid-19

Việc những biến thể phụ mới của biến chủng Omicron đang lây lan nhanh chóng ở hàng chục quốc gia đã khiến nhiều chính phủ phải đẩy nhanh chương trình tiêm thêm các liều tăng cường vaccine phòng ngừa Covid-19. Điều này khiến cho doanh số bán vaccine Covid-19 tăng cao và dự đoán doanh thu của các công ty sản xuất vaccine trong năm nay sẽ tương đương năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêm phòng vaccine Covid-19. Ảnh: NAM ANH
Tiêm phòng vaccine Covid-19. Ảnh: NAM ANH

Hiện tại, nhiều nước đã phê duyệt các liều vaccine Covid-19 tăng cường trên phân khúc dân số rộng hơn sau khi triển khai cho các nhóm người cao tuổi và đối tượng dễ bị tổn thương. Tại những thị trường có thu nhập trên trung bình và thu nhập cao thì hồi đầu năm, ​​liều tăng cường là 10-25/100 người, đến đầu tháng 6 đã tăng lên 45-55/100 người, trong khi thị trường có mức thu nhập trung bình và thu nhập thấp vẫn ở mức dưới 10/100 người.

Kể từ đầu năm 2022, doanh số bán vaccine Covid-19 đã có bước khởi đầu mạnh mẽ. Các sản phẩm vaccine mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna sẽ tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất. Trong quý I/2022, báo cáo về doanh số vaccine Covid-19 của hai hãng Pfizer và Moderna lần lượt là 13,2 tỷ USD và 5,9 tỷ USD. Doanh số này vượt qua ước tính trước đó và dự đoán doanh số năm 2022 sẽ tương đương năm 2021. Nhưng từ năm 2023 trở đi quy mô thị trường sẽ giảm mạnh vì không còn cần phải tiêm chủng lại theo quy mô lớn nữa.

Doanh số các loại thuốc uống điều trị Covid-19 cũng tăng cao hơn. Kể từ khi ra mắt vào quý IV/2021, các loại thuốc uống điều trị Covid-19 của Pfizer (Paxlovid - ritonavir và nirmatrelvir) và Merck & Co (Lagevrio - molnupiravir) đã được sử dụng rộng rãi ở thị trường các nước phát triển, với doanh số quý I/2022 lần lượt là 1,5 tỷ USD và 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, Paxlovid đã mất đi vị trí dẫn đầu thị trường thuốc uống điều trị Covid-19 do thuốc Lagevrio (trước đây có hiệu quả thấp) nay đã được cải tiến.

Việc các loại thuốc uống trị liệu Covid-19 tiếp cận các thị trường mới nổi sẽ chậm hơn so với các thị trường đã phát triển. Các nhà sản xuất đã đồng ý về các thỏa thuận cấp phép với các tổ chức phi lợi nhuận (Sáng kiến ​​Tiếp cận sức khỏe Clinton và Nhóm Bằng sáng chế thuốc - MPP) cho phép các nhà sản xuất thuốc generic sản xuất thuốc điều trị Covid-19 của họ ở các thị trường có thu nhập thấp. Bất chấp những thỏa thuận này, khó có nhà sản xuất thuốc generic nào có thể có được nguồn cung đáng kể như Paxlovid trước thời điểm cuối năm 2022 (thuốc generic là thuốc có cùng hoạt chất và có tác dụng điều trị tương đương với biệt dược gốc của thuốc có thương hiệu riêng).

Lạm phát tiếp tục tăng tốc trong nửa đầu năm 2022 do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang tạo ra những thách thức với chuỗi cung ứng, tác động đến hoạt động tài chính của các công ty sản xuất thuốc đa quốc gia qua hai yếu tố. Thứ nhất, cuộc xung đột đã dẫn đến giá năng lượng và lạm phát tăng vọt, gây thêm áp lực lên ngân sách của các chính phủ. Thứ hai, chi phí sinh hoạt tăng sẽ tiếp tục hướng người tiêu dùng đến thuốc generic rẻ hơn và tăng khả năng bệnh nhân sẽ từ bỏ thuốc nếu có thể. Ngoài ra, giá năng lượng tăng sẽ tiếp tục làm tăng chi phí sản xuất dược phẩm, điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất dược phẩm.

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự phụ thuộc quá mức của ngành dược phẩm vào khâu sản xuất ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất đang đa dạng hóa và định vị lại chuỗi cung ứng của họ để trở nên linh hoạt hơn. Và Đông Nam Á đang trở thành một trong những lựa chọn thay thế hấp dẫn.

Vào ngày 29/6/2022, các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua Chính sách quản lý dược phẩm ASEAN (APRP) được phát triển chung, nhằm tạo cơ sở cho việc cấu trúc hệ thống quản lý đối với các sản phẩm dược phẩm trong khu vực. Việc thông qua chính sách cho phép giảm các rào cản thương mại và tăng cường hài hòa các yêu cầu quy định và sự hợp tác của các cơ quan quản lý cũng như bảo đảm tiếp cận kịp thời với các sản phẩm dược phẩm chất lượng cao, an toàn và hiệu quả.

Bắt đầu từ năm 2020 và đặc biệt là trong vài tháng đầu năm 2022, các nước ASEAN đã công bố nhiều khoản trợ cấp và khuyến khích khác nhau để thu hút và khuyến khích doanh nghiệp thiết lập hoạt động sản xuất trong khu vực. Việt Nam, Thailand, Malaysia cũng đã đưa ra chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào trong nước. Hiện, đang có những bước tiến trong việc cải thiện tính dễ dàng kinh doanh, hợp lý hóa quy trình xin giấy phép, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số với mục đích thu hút đầu tư dược phẩm khi các doanh nghiệp tìm kiếm một trung tâm sản xuất hoặc phân phối. Các nhà sản xuất có năng lực sẽ được hưởng lợi từ các cơ hội xuất khẩu gia tăng trong khu vực. Mặc dù để bắt đầu sản xuất tại một thị trường khác vẫn cần một quá trình dài, chưa thể hoàn thành trong năm 2022, nhưng xu hướng này sẽ có tác động rõ rệt đến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các công ty dược phẩm.