Cứu tinh của các nhà leo núi Everest

Gelje Sherpa (trong ảnh), một hướng dẫn viên người Nepal, đã thuyết phục khách hàng của mình từ bỏ nỗ lực leo lên đỉnh Everest khi họ chỉ cách “nóc nhà thế giới” vài trăm mét nhằm mục đích giải cứu một nhà leo núi khác đang gặp nạn.
0:00 / 0:00
0:00
Gelje Sherpa kể lại cuộc giải cứu nhà leo núi người Malaysia. Ảnh: CNN
Gelje Sherpa kể lại cuộc giải cứu nhà leo núi người Malaysia. Ảnh: CNN

Đó là một ngày khó quên với Gelje Sherpa, một nhà leo núi người Trung Quốc và nhà leo núi gặp nạn người Malaysia. Chia sẻ với phóng viên AFP, hướng dẫn viên Gelje Sherpa (30 tuổi) chia sẻ: “Hôm đó là một ngày cuối tháng 5/2023, tôi hướng dẫn nhà leo núi người Trung Quốc chinh phục đỉnh Everest cao 8.849m, sau đó sẽ giúp khách hàng xuống núi bằng dù lượn. Khi chỉ cách đỉnh núi vài trăm mét, chúng tôi phát hiện ra ở độ cao hơn 8.000m có một người cố gắng bám trụ vào một sợi dây và gần như “đóng băng”.

Độ cao hơn 8.000m trên đỉnh Everest được biết đến với cái tên “vùng tử thần”. Nơi đây đi lại vô cùng khó khăn, không khí loãng, nhiệt độ đóng băng làm tăng nguy cơ mắc chứng say độ cao. Vào ngày hôm đó, những người leo núi khác đã vượt qua chỗ người gặp nạn nhưng không dừng lại do không đủ khả năng cứu hộ. “Đó là nơi bạn phải nghĩ đến sự sống còn của mình trước tiên”, Gelje giải thích.

Tuy nhiên, Gelje không muốn bỏ rơi người gặp nạn. Anh nói với nhà leo núi Trung Quốc, người đã chi 45.000USD để thực hiện chuyến thám hiểm Everest rằng họ sẽ không lên đỉnh núi nữa. Gelje kể: “Khi tôi quyết định xuống núi, ban đầu vị khách hàng không đồng ý. Đương nhiên, bởi lẽ anh ấy đã mơ chinh phục đỉnh Everest từ nhiều năm, phải chi một số tiền lớn để đến Nepal và dành thời gian leo lên đây”.

Khi nghe Gelje nói vậy, vị khách hàng cương quyết từ chối, nhắc lại hợp đồng đã ký giữa hai người. Hai người đã tranh luận gay gắt. Gelje yêu cầu khách hàng xuống núi bởi anh ta không thể lên đỉnh mà không có hướng dẫn viên. Gelje nhấn mạnh vào việc cấp thiết cứu người gặp nạn. Cuối cùng, vị khách hàng hiểu ra tình huống và đồng ý xuống núi.

Gelje gấp rút đi xuống vị trí nhà leo núi người Malaysia gặp nạn, đeo máy cung cấp oxy cho anh ta. Với thân hình nhỏ bé, cao 1,60m và nặng 55kg, Gelje cố gắng dìu người bị nạn xuống núi. Một số đoạn đường lởm chởm đá, anh phải cõng nạn nhân. Phải mất 6 giờ, Gelje mới đưa người bị nạn đến được Trại 4. Tại đây, anh được sự giúp sức của một hướng dẫn viên khác. Họ quấn người leo núi trong túi ngủ, dùng dây thừng kéo người gặp nạn trên tuyết hoặc thay phiên cõng đến Trại 3 ở độ cao 7.162m. Sau đó, một trực thăng đã đưa người này xuống trại căn cứ.

“Tôi đã tham gia nhiều nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ, nhưng vụ cứu nạn này thật sự khó khăn”, Gelje bày tỏ. Khi được hỏi lý do vì sao hành động như thế, Gelje thành thật nói: “Cứu một mạng người quan trọng hơn cầu nguyện ở tu viện”. Trong khi đó, một quan chức từ ngành du lịch Nepal khẳng định với phóng viên Reuters rằng, đây là cuộc giải cứu hiếm gặp, vì “gần như không thể giải cứu những người leo núi ở độ cao như vậy”.

Đại diện Seven Summit Treks, công ty cung cấp dịch vụ hậu cần cho nhà leo núi người Malaysia, từ chối nêu tên người được giải cứu với lý do quyền riêng tư của khách hàng. Tuy nhiên, công ty này cho biết, nhà leo núi đã được đưa lên chuyến bay trở về Malaysia vài ngày sau đó. Dù không gặp lại nhà leo núi trên nhưng anh Gelje đã nhận được tin nhắn cảm ơn: “Anh đã cứu mạng tôi, anh là một vị thần đối với tôi”.

Ngành công nghiệp leo núi ở dãy Himalaya dựa vào kinh nghiệm của những hướng dẫn viên người Sherpa, một dân tộc ở phía đông Nepal, trên vùng cao của Himalaya. “Là hướng dẫn viên, bạn cần có trách nhiệm với những nhà leo núi và bạn phải đưa ra những quyết định khó khăn”, anh Norbu Sherpa, Chủ tịch Hiệp hội hướng dẫn viên leo núi quốc gia của Nepal lưu ý, đồng thời nhấn mạnh những gì anh Gelje Sherpa đã làm thật đáng trân trọng.

Chinh phục đỉnh Everest là khát khao của các nhà leo núi và những người thích mạo hiểm. Theo AP, trong mùa leo núi năm 2023 (từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay), Nepal đã cấp kỷ lục 478 giấy phép cho các nhà leo núi muốn chinh phục đỉnh Everest. Khoảng 600 người leo núi và hướng dẫn viên đã lên tới “nóc nhà thế giới”, nhưng cũng có 12 người leo núi đã không thể trở về, trong khi người vẫn đang mất tích.