Cuộc gọi “rác” gây phiền nhiễu người dùng

Từ ngày 1/8, các thuê bao di động mới phát sinh phải thực hiện xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết nạn sim “rác”. Quy định, chế tài xử phạt đã có, nhưng tin nhắn, cuộc gọi “rác” không vì thế mà giảm đi. Thậm chí, gần đây trở lại rầm rộ hơn, tần suất dày đặc hơn, ngày càng biến tướng, tinh vi.
0:00 / 0:00
0:00
Tin nhắn rác, cuộc gọi rác gây rất nhiều bức xúc cho người dân thời gian qua.
Tin nhắn rác, cuộc gọi rác gây rất nhiều bức xúc cho người dân thời gian qua.

“Tăng xông” vì cuộc gọi “rác”

“Uất ức, tăng xông” là cảm giác mà cô Vũ Tuyết Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) mô tả khi bị một công ty du lịch “tiến công” cách đây một tháng. Mỗi ngày cô nhận 3-4 cuộc gọi từ các số máy khác nhau, vẫn quảng cáo các kỳ nghỉ và mời tham dự hội thảo nhận voucher quà tặng của một công ty có địa chỉ tại Liễu Giai. “Điện thoại cứ tối ngày rót thẳng vào tai mình. Chạy lui tới để nghe điện thoại có khi vấp ngã đau điếng người”, cô Nhung ngán ngẩm kể. Chặn số này thì nhân viên lại gọi số khác, vẫn tên công ty đấy, vẫn địa chỉ đấy, vẫn quảng cáo như thế. Gọi phản ánh với tổng đài, tỏ thái độ với nhân viên cũng không ăn thua. Cuối cùng cô Nhung phải lên mạng cầu cứu bạn bè người thân tìm số liên lạc, gọi điện trực tiếp cho đại diện pháp lý của công ty với lời lẽ gay gắt thì cuộc gọi quảng cáo kia mới chấm dứt.

Phản ánh với Thời Nay, anh Phạm Văn Đồng (Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hơn 10 ngày nay, ngày nào cũng nhận hàng chục tin nhắn “rác”, hàng chục cuộc gọi mời mua tour du lịch, nghỉ dưỡng, rao bán đất nền, căn hộ, mời đi spa, khách sạn, mua bảo hiểm, đầu tư tài chính. “Có ngày liên tiếp từ sáng đến chiều, điện thoại tôi rung liên tục bởi mười mấy số khác nhau. Chỉ trong chưa đầy một giờ, máy báo hơn chục cuộc gọi nhỡ”, anh Đồng ngán ngẩm. Các cuộc gọi phiền nhiễu đến mức anh phải để máy ở chế độ máy bay trong khi bản thân có nhiều công việc phải xử lý. Việc nhận cuộc gọi liên tục khiến anh ức chế, ảnh hưởng tới chất lượng công việc.

Nhiều người khác cũng than phiền bị tin nhắn sử dụng đầu số dịch vụ 1900 giả danh nhà mạng làm phiền hoặc qua các ứng dụng Zalo, Viber, Facebook Messenger… khiến vô cùng khó chịu. Cũng chỉ vì một lần nghe quảng cáo, đăng ký dự triển lãm nhận voucher miễn phí ở một resort Nha Trang cho gia đình trên điện thoại mà gia đình anh Đạt Nguyễn (Thanh Xuân, Hà Nội) bị “khủng bố” điện thoại cả tháng trời. Thậm chí, sau khi từ chối tham dự sự kiện, anh bị nhân viên trách mắng và ăn nói theo kiểu giang hồ.

Trách nhiệm của nhà mạng

Quy định, chế tài xử phạt, cam kết của các nhà mạng về xử lý nạn sim “rác” đều có cả. Cơ quan quản lý đã áp dụng các biện pháp “mạnh tay” như thu hồi số điện thoại, phạt hành chính lên tới hơn 100 triệu đồng nhưng những cuộc gọi, tin nhắn “rác” đang có xu hướng tăng lên. Đã có 74 triệu cuộc gọi “rác” phát sinh từ thuê bao “rác” trong 6 tháng đầu năm 2022, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố. Cũng theo số liệu thống kê từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thông qua Tổng đài tiếp nhận phản ánh tin “rác” 5656, trung bình mỗi tháng đơn vị này đã ghi nhận được hơn 3.000 lượt phản ánh về tin nhắn và cuộc gọi “rác”.

Theo Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), người dùng cần được bảo vệ và tránh các loại tin nhắn, cuộc gọi “rác”. Đại diện của VNISA nhấn mạnh vai trò của nhà mạng, đơn vị viễn thông rất quan trọng, nếu không nói là quyết định, trong việc làm giảm thiểu hoặc loại trừ loại tin nhắn/cuộc gọi kể trên. Vì vậy, nhiệm vụ chính của nhà mạng là phải phát hiện (có thể có sự hỗ trợ của người dùng cuối) các số thuê bao có tin nhắn/cuộc gọi “rác” và có biện pháp chế tài đối với số thuê bao này. Cùng với đó, cần kiểm soát chặt quy trình mua sim điện thoại để hạn chế khả năng xuất hiện sim “rác”.

Theo báo cáo của Bộ Công an tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau. Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong khi người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai. Bộ Công an cho biết, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật.