Cùng di sản sống “cuộc đời” nghệ thuật

Nhiều bảo vật, di sản văn hóa dân tộc sẽ tiếp tục được “cất giọng” trong đời sống mới ở dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn Nghệ sĩ đương đại”.
Tranh sơn dầu “Nàng Châu Long”. LÊ THẾ ANH
Tranh sơn dầu “Nàng Châu Long”. LÊ THẾ ANH

Có sức sống mới mời gọi được xã hội

Dự án được thực hiện với nhóm nghệ sĩ Heritage And Art (H&A) - do họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố) khởi xướng và thành lập - mong muốn kế thừa, gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa Việt. Các hoạt động gặp gỡ các chuyên gia mỹ thuật, văn hóa, các buổi nghiên cứu mỹ thuật cổ và bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… đã được triển khai từ đầu năm 2024.

16 nghệ sĩ của nhóm thuộc các lĩnh vực hội họa, đồ họa và điêu khắc với chất liệu đa dạng như kim loại, sơn dầu, lụa, trúc chỉ, gốm, sơn mài… cùng sáng tác theo một chủ đề chung theo phong cách riêng của mình. Trưởng nhóm Nguyễn Minh cho biết, năm nay nhóm tập trung sáng tác về vốn cổ dân tộc và bảo vật quốc gia. Nhóm còn tổ chức các chuyến điền dã khắp các vùng miền nhằm khai thác thêm các tư liệu.

Dự án sẽ còn tổ chức các cuộc trao đổi, cùng vẽ với các họa sĩ theo chủ đề di sản. Hướng đến các em nhỏ, nhóm có chương trình “Di sản qua ánh mắt trẻ thơ”, giúp các em trực tiếp thưởng lãm các hiện vật và thể hiện lên tranh qua gợi ý của các họa sĩ. Nói về dự án, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chủ đề của dự án rất phù hợp bối cảnh hôm nay. Khi chúng ta mong muốn có sự kết nối với quá khứ, chúng ta cần có trách nhiệm đạo đức trong việc duy trì những giá trị mà cha ông ta đã dày công vun đắp. Từ việc hiểu sẽ thêm yêu quý, trân trọng rồi mong muốn thực hành những giá trị đó và trao truyền giá trị đó cho tương lai. Những hiện vật cổ sẽ tiếp tục có một đời sống mới trong xã hội bằng sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Điều này là vô cùng quan trọng, vì một hiện vật cần có một sức sống và phải được thể hiện một cách sinh động thì mới nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Cùng di sản sống “cuộc đời” nghệ thuật ảnh 1

Tác phẩm trúc chỉ “Kinnaras”. CAO PHƯƠNG THẢO

Hợp tác ba bên để thành quả

Chủ đề “Văn hóa mỹ thuật cổ và bảo vật quốc gia” mang lại nhiều hứng khởi cho 16 họa sĩ của nhóm. 39 tác phẩm tại triển lãm “Ngày xửa ngày xưa” tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) đánh dấu thành công bước đầu của dự án. Chu Viết Cường tạo ấn tượng với tác phẩm sơn mài “Vết thời gian”; bản sắc dân tộc được tạo hình độc đáo trên tác phẩm “Gốm Mường” của Vũ Đức Hiếu. Còn với họa sĩ Lê Thế Anh, hai hình tượng nghệ thuật xưa làm xúc động và tạo cảm hứng sáng tác cho anh là hình ảnh tiên nữ được điêu khắc tại các đình, chùa và tích vinh quy bái tổ trong văn hóa truyền thống. Họa sĩ cho biết, việc đưa những hình tượng bảo vật vào tác phẩm sao cho logic với phong cách của mình là đề bài thật sự khó, chúng tôi trăn trở rất nhiều.

Với sự kết hợp ba bên: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các nghệ sĩ và đơn vị bảo trợ nghệ thuật, dự án được hy vọng sẽ tạo ra hướng đi mới, dài hơi hơn. TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc bảo tàng cho biết, rất ủng hộ ý tưởng thông qua hội họa để lưu giữ di sản văn hóa với cách nhìn của đương đại. Cũng rất mừng cho các họa sĩ khi có đơn vị đồng hành hỗ trợ cho ý tưởng tốt đẹp này. Bảo tàng sẵn sàng cung cấp thông tin, hình ảnh về các cổ vật, hiện vật văn hóa, kiến trúc quý. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu, tìm ra các tác phẩm hội tụ đủ các tiêu chí để mua các tác phẩm này cho bảo tàng quốc gia. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ việc tổ chức, trưng bày giới thiệu các tác phẩm của dự án tới công chúng.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn đánh giá cao việc hợp tác ba bên và nhấn mạnh, để các hoạt động văn hóa nghệ thuật có thể phát huy tốt, luôn luôn cần ba điều kiện. Đầu tiên phải hiểu rõ để phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững. Thứ hai là phải yêu di sản cha ông, từ đó mới có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Và cuối cùng cần có nhà tài trợ để giúp cho các họa sĩ yên tâm tập trung cho sáng tạo. Đây là mô hình rất tốt và mong rằng sẽ được nhân rộng trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật.