Cùng ba làm trà gừng

“Những năm 2017, gia đình trồng một sào gừng, đến lúc thu hoạch giá bán quá thấp, lại không có người mua. Bên cạnh gừng tươi, nhà có làm mứt gừng, gừng lát phơi khô để bán nhưng cũng không được bao nhiêu. Từ đó, ba và tôi suy nghĩ đến việc chế biến gừng thành một sản phẩm khác, có thể tiêu thụ được lại mang tới cho gia đình nguồn thu nhập tốt hơn”, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt nhớ lại.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm trà gừng cha con của ông Lên, chị Nguyệt tham gia nhiều hội chợ thương mại.
Sản phẩm trà gừng cha con của ông Lên, chị Nguyệt tham gia nhiều hội chợ thương mại.

Nhật ký của chuyển đổi

Thâm canh gừng trên đất ruộng nhưng giá thành rẻ, hai cha con ông Nguyễn Lên và chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) quyết tâm chuyển đổi mô hình từ trồng trọt sang chế biến trà gừng.

Ông Lên nhớ lại: “Một lần tình cờ, bạn của con gái từ Nhật Bản ghé đến chơi và gợi ý cách làm trà gừng truyền thống của người Nhật. Thấy ý tưởng hay và cũng dễ thực hiện, cháu Nguyệt cùng với tôi quyết tâm bắt tay vào việc nghiên cứu, thử nghiệm làm trà gừng”.

Theo đó, để có sản phẩm riêng, hai cha con đã uống thử sản phẩm trà gừng dạng túi lọc và trà gừng truyền thống của Nhật Bản, Hàn Quốc để trải nghiệm. “Chúng tôi nhận ra mình có thể làm sản phẩm trà gừng với dạng siro nhưng theo khẩu vị của người Việt Nam. Đó là tăng vị gừng tươi, tự điều chỉnh độ ngọt theo khẩu vị mỗi người và quan trọng nhất là không có chất bảo quản. Tuy vậy, lúc mới làm, ba con tôi thất bại nhiều lần khi sản phẩm làm xong sau một ngày đã có hiện tượng lắng nước, trà không giữ được lâu. Sau nhiều lần thử nghiệm, khắc phục lỗi, thay đổi nhiều mẫu khác nhau, cuối cùng sản phẩm trà gừng đạt chất lượng với hương vị thơm ngon đậm đà cũng đã thành công”, chị Nguyệt cho biết.

Gừng được chọn là loại củ già, gừng sẻ, sau khi rửa sạch, khô ráo được mang đi xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt, trộn với đường phèn, mật ong theo tỷ lệ phù hợp rồi mang đi chưng cô đặc trong nhiều giờ sẽ ra thành phẩm trà gừng với dạng cao lỏng.

Gia đình cũng mạnh dạn đăng ký hộ kinh doanh cá thể để sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang tên “Trà gừng Tâm Nguyên”. Năm 2019, chị Nguyệt bắt đầu mày mò bán hàng qua mạng xã hội và nhận được nhiều hơn những đơn hàng từ mọi người.

Quyết tâm mở rộng thị trường

Nhận được phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng, tự tin về sản phẩm của mình và quyết tâm phát triển ra thị trường mạnh mẽ hơn, cha con ông Lên, chị Nguyệt mang trà gừng tham gia các hội chợ xúc thương mại, chợ phiên do TP Đà Nẵng tổ chức, qua đó cũng đã kết nối được thêm nhiều khách hàng, đặc biệt là khách sỉ và chủ các quán cà-phê trên địa bàn.

Hiện nay, sản phẩm “Trà gừng Tâm Nguyên” đóng trong chai thủy tinh dạng 250ml được phân phối tại nhiều cửa hàng, siêu thị tiện lợi, quán cà-phê trên địa bàn TP Đà Nẵng và địa phương lân cận như Huế, Quảng Nam, Kon Tum cũng như qua mạng xã hội, các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada.

Từ việc được người tiêu dùng tin tưởng, cơ sở sản xuất cũng dần được đầu tư xây dựng quy mô hơn. Bên cạnh đó, mẫu mã cũng được cải tiến hơn để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài sản phẩm trà gừng còn có thêm bột gừng sấy lạnh, siro nước cốt nghệ tươi để đa dạng hóa sản phẩm. Cơ sở cũng tạo việc làm cho bốn thành viên trong gia đình và hai lao động cố định tại địa phương, mỗi năm tiêu thụ 5-6 tấn gừng nguyên liệu của người nông dân. Từ những chai trà gừng ban đầu bán được, đến nay cơ sở đã tiêu thụ được 8.400 chai trong năm 2021 và tính chín tháng đầu năm 2022 đã bán ra 9.450 chai. Năm 2021, hộ sản xuất gia đình ông Lên đã được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố.

Nói tới định hướng giai đoạn tới, chị Nguyệt cho hay: “Năm 2023, cơ sở hướng tới việc cải tạo và mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc để nâng cao chất lượng và sản lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Đồng thời, sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ đến nhiều địa phương hơn với mục đích tiêu thụ giúp nông sản cho bà con nông dân”.

Lúc đầu, gia đình chỉ muốn cải thiện cách làm ăn, nâng cao thu nhập thay vì làm nông nghiệp. Tuy nhiên, những nỗ lực trong nhiều năm qua giúp cha con tôi nhận ra rằng “luôn mạnh dạn đổi mới, mạnh dạn thực hiện và biết sáng tạo vượt khó thì sẽ thành công”, chị Thu Nguyệt chia sẻ.