“Cú huých” từ Nghị quyết 98 tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Ngay khi Nghị quyết 98 được ban hành, Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng nguồn vốn và cơ chế để thu hút các nhà đầu tư, nguồn lực xã hội sẽ được tháo gỡ. Từ đó sẽ tạo ra “cú huých” trong việc khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng giao thông đô thị bấy lâu nay, giúp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận.
0:00 / 0:00
0:00
TP Hồ Chí Minh đang đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông.
TP Hồ Chí Minh đang đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông.

Mở bung khắp tất cả các cửa ngõ

Ngay sau khi Nghị quyết 98 cho phép đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng tiêu chí, đề xuất UBND thành phố ưu tiên làm sớm năm dự án khơi thông các cửa ngõ giai đoạn năm 2023-2030. Các dự án được sắp xếp lần lượt theo mức độ ưu tiên, gồm: Mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An); Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến vành đai 3); Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); mở rộng cầu đường Bình Tiên (đi qua Quận 6, 8 và huyện Bình Chánh).

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Phan Công Bằng cho hay, để hạn chế việc đầu tư dàn trải ảnh hưởng đến chi phí xã hội của người dân và doanh nghiệp, Sở đã xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hợp đồng BOT trên đường hiện hữu. Trong đó, hai tiêu chí hàng đầu là tính chất, vai trò quan trọng của tuyến đường và khả năng giải quyết ùn tắc giao thông. Năm dự án được ưu tiên triển khai cũng dựa vào đánh giá đây là các trục cửa ngõ, kết nối vùng (kết nối trực tiếp đường vành đai, quốc lộ, cao tốc) và kết nối các đầu mối kinh tế lớn (cảng biển, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, công trình đầu mối giao thông).

Đơn cử như hiện tuyến quốc lộ huyết mạch Bắc - Nam khu qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có ba làn đường, gồm hai làn cho ô-tô và một làn cho xe hỗn hợp. Một số đoạn ngắn ở khu vực gần Suối Tiên (TP Thủ Đức) có bốn làn trong khi ở khu vực giáp ranh với Long An trên địa phận huyện Bình Chánh chỉ có hai làn khiến tuyến đường bị “thắt cổ chai”. Đoạn gần 10 km từ nút giao vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An hiện không chỉ là điểm đen ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ đi về miền Tây mà đang dần trở thành “rốn ngập” mỗi khi có mưa lớn.

Còn phía Đông, Quốc lộ 13 là nỗi ám ảnh của người dân thành phố nhiều năm qua khi tình trạng kẹt xe, ngập nước xảy ra như cơm bữa. Trong khi đây được xem là tuyến đường “độc đạo” vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên, tỉnh Bình Phước và Bình Dương về thành phố, gây ra “điểm nghẽn” về phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đông Nam Bộ.

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, 5 dự án có tổng mức đầu tư hơn 37 nghìn tỷ đồng và đều nằm tại khu vực cửa ngõ của thành phố, có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Do đó, trong tổng số 107 tuyến đường trục chính có thể áp dụng hình thức BOT từ cơ chế của Nghị quyết 98 thì năm dự án này đã được chọn để làm trước.

Là doanh nghiệp vận tải logistics chạy thường xuyên trên tuyến Quốc lộ 13 (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai), ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh (Quận 7) chia sẻ, nhiều năm nay, tuyến Quốc lộ 13 đã quá tải và xuống cấp, dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc, tiêu hao nhiên liệu nhiều, lại luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Vì thế, việc nâng cấp, mở rộng toàn tuyến là rất cấp thiết, qua đó tiết giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của loại hình vận tải đường bộ. Cơ quan chức năng cũng cần cân nhắc mức thu và các khoản thu phí, tránh phí chồng phí gây khó cho doanh nghiệp.

Bứt phá với Nghị quyết 98

Ngày 22/8, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban Giao thông - chủ đầu tư) thông tin, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) đang được đẩy nhanh hoàn chỉnh, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước trước khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương. Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Năm 2024, dự án tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu. Dự án được Thành phố Hồ Chí Minh lên kế hoạch khởi công dịp 30/4/2025 để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Ban Giao thông Lương Minh Phúc cho biết, để đẩy nhanh tiến độ, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ thực hiện những cơ chế đặc thù tương tự dự án Vành đai 3. Cụ thể, dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng ngay khi được thông qua chủ trương đầu tư, với tổng diện tích hơn 435 ha, hơn 570 hộ dân bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho phép tăng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước với nguồn vốn góp thêm 2.900 tỷ đồng (để góp phần đạt tỷ lệ 48% đối với vốn ngân sách), giúp tăng tính khả thi, thu hút nhà đầu tư tham gia. Việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án cũng giúp giảm thời gian thu phí từ 26 năm 10 tháng xuống 19 năm 9 tháng. Mặt khác, Nghị quyết 98 cho phép thành phố triển khai dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), giúp tạo thêm nguồn lực cho dự án. Tuyến cao tốc dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027 giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối Thành phố Hồ Chí Minh với Campuchia; phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối Thành phố Hồ Chí Minh qua Tây Ninh, giảm tải Quốc lộ 22.

Theo Ban Giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thành phố đến năm 2030, thành phố cần khoảng 980.000 tỷ đồng mà nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng chưa đến 50%, hơn 50% còn lại từ các nguồn lực xã hội.

Với Nghị quyết 98, việc huy động nguồn lực xã hội thuận lợi hơn. Theo đó, về nguồn vốn, Nghị quyết 98 cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng vốn ngân sách thành phố để tham gia đầu tư các dự án liên vùng hay cho phép nâng tỷ lệ vốn ngân sách từ 50 lên 70%, điều này góp phần thu hút nhà đầu tư đối với các dự án PPP. Về giải phóng mặt bằng, Nghị quyết 98 hướng đến việc áp mức giá bồi thường các loại đất sát giá thực tế. Đây là giải pháp linh hoạt giúp người dân hài lòng hơn khi nhà nước thực hiện bồi thường trong thời gian tới.

Theo TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, khi các nút thắt về phát triển hạ tầng giao thông được thông suốt nhờ cú huých Nghị quyết 98 sẽ tạo nền tảng hạ tầng cho kinh tế, góp phần giãn mật độ đô thị phát triển ra ngoài, tăng cường khu vực sản xuất chuyển dịch ra ngoài, cải thiện môi trường sống, chất lượng sống của người dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành lân cận.

Về phía chủ đầu tư, Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái Trần Đức Thắng (chủ đầu tư đường vành đai 2, đoạn từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức) cho rằng, Nghị quyết 98 có nội dung về việc thực hiện dự án BT (Xây dựng - Chuyển giao). Vậy nên, chủ đầu tư đang chờ chính quyền thành phố định hướng như thế nào về cách giải quyết các dự án liên quan đến BT. “Về phía chủ đầu tư đã triển khai theo đúng hợp đồng, đã thi công xây dựng, bồi thường rồi, bây giờ thành phố định hướng như thế nào thì doanh nghiệp sẽ làm như định hướng, chúng tôi hy vọng thành phố sẽ có hướng giải quyết trong thời gian tới. Đối với doanh nghiệp thì trả bằng gì cũng được (tiền hay đất) miễn sao cho dự án được triển khai, hoàn thành”, ông Trần Đức Thắng chia sẻ.

Để đẩy nhanh thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa giao Sở Giao thông vận tải, Ban Giao thông thành phố khẩn trương nghiên cứu, tham mưu danh mục các công trình giao thông ưu tiên đầu tư để tập trung hoàn thành trong vòng 3-5 năm tới, trên cơ sở vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.