Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ sự chia buồn sâu sắc với gia đình các nạn nhân, nhấn mạnh những kẻ gây ra tội ác khủng khiếp này phải được đưa ra pháp luật để trừng trị. LHQ cam kết hỗ trợ người dân và Chính phủ Somalia trong việc theo đuổi hòa bình và phát triển.
Trước đó, ngày 28-12, một vụ đánh xe bom đã xảy ra tại một trạm kiểm soát an ninh và nhằm vào một trung tâm thu thuế trong giờ cao điểm buổi sáng ở Thủ đô Mogadishu của Somalia. Trong số các nạn nhân có nhiều sinh viên và dân thường đi trên xe buýt chạy qua khu vực đúng lúc xe bom phát nổ. Có nguồn tin cho rằng, trong số người thiệt mạng có cả công dân nước ngoài đang tham gia dự án xây đường giao thông ở Somalia.
Hiện chưa có tổ chức thánh chiến nào nhận thực hiện vụ tiến công. Tuy nhiên, Thủ đô Mogadishu thường xuyên là mục tiêu tiến công của phiến quân Hồi giáo al-Shabab, có liên minh với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Cảnh sát mô tả vụ đánh bom là hành vi “hủy diệt”. Các nhân viên an ninh và y tế tại Mogadishu đang dốc toàn lực để nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ đánh bom xe thảm khốc này.
Ngay sau vụ việc, Tổng thống Somalia, ông Mohamed Farmajo đã lên án vụ khủng bố nhằm vào những dân thường vô tội này, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, bày tỏ hy vọng những người bị thương sớm bình phục. Ông cam kết sẽ thúc đẩy điều tra và buộc các phần tử khủng bố phải đền tội.
Cùng ngày, Saudi Arabia và Jordan đã lên án vụ đánh bom đẫm máu trên. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tuyên bố, Riyadh cực lực phản đối tất cả các hình thức bạo lực cực đoan và khủng bố. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan Deifallah Fayez gửi lời chia buồn của chính phủ nước này tới người dân Somalia, đồng thời mong muốn những người bị thương sớm bình phục.
Đây là vụ đánh bom đẫm máu nhất tại Somalia sau vụ đánh bom xe kinh hoàng khiến hơn 500 người thiệt mạng tại Thủ đô Mogadishu tháng 10-2017. Những năm gần đây, Somalia chìm trong tình trạng bạo lực khi lực lượng al-Shabaab thực hiện nhiều cuộc tiến công khắp Somalia, tìm cách lật đổ chính quyền trung ương và lập ra một chính quyền dựa trên thực thi Luật Hồi giáo hà khắc. Dù al-Shabaab đã bị đánh đuổi khỏi Thủ đô Mogadishu năm 2011, nhưng hiện lực lượng này vẫn kiểm soát nhiều vùng ở Somalia, thường xuyên thực hiện các vụ đánh bom liều chết nhằm vào các cơ quan chính phủ hoặc cơ sở an ninh.