Cơ hội phục hồi ngành thép

Triển vọng sản xuất thép của Việt Nam có thể sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi trở lại. Ngoài ra, ngành thép cũng có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2024 nhờ tác động từ thị trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Ảnh: NGUYỆT ANH
Tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Ảnh: NGUYỆT ANH

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2023, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép đều giảm so với năm 2022. Cụ thể, sản xuất thép thô ước đạt gần 19 triệu tấn, giảm 5,4%, thép thành phẩm sản xuất ước đạt hơn 27 triệu tấn, giảm 8%, và tiêu thụ thép biểu kiến ước đạt hơn 20 triệu tấn, giảm 8%.

19 lần giảm giá liên tiếp

Tại hội thảo Tổng kết thị trường thép Việt Nam 2023 và triển vọng 2024 mới đây, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, năm 2023, kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức đạt mức tăng trưởng ấn tượng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đây là mức tăng trưởng thấp so với nhiều năm trước đây, ảnh hưởng tiêu cực tới ngành thép. Cụ thể, trong quý I/2023, ngành thép đã có những tín hiệu phục hồi khi giá thép liên tiếp điều chỉnh tăng 6 lần, kéo mức giá phổ biến lên gần 18 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, bước vào quý II/2023, giá thép xây dựng bắt đầu đảo chiều giảm 19 lần liên tiếp. Chu kỳ giảm kéo dài tới tận đầu tháng 9/2023, giá thép thời điểm này xuống mức phổ biến còn hơn 13 triệu đồng/tấn, đây là mức giá thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

“Giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, số lượng các công trình dân dụng được khởi công còn ít, hoạt động đầu tư công dần được đẩy mạnh nhưng chưa đủ sức giúp thị trường thép tốt hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá xuất khẩu”, ông Đa lý giải.

Kể từ phiên giảm giá lần thứ 19 - tháng 9/2023, thép trong nước đã có khoảng thời gian hơn 2 tháng không biến động; đến cuối tháng 11 bắt đầu đảo chiều tăng 10 lần liên tiếp.

Tuy vậy, nhìn từ góc độ sản xuất, ông Lê Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty Tôn Phương Nam cho rằng, sự tăng giá của thép khoảng thời gian này chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào gồm than cốc và quặng sắt đang trong xu hướng tăng trở lại; bên cạnh đó, giá điện tăng khiến chi phí sản xuất của ngành thép phải tăng theo.

“Chúng tôi đã điều chỉnh tăng giá bán nhưng do phải bảo đảm cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu nên giá tăng chưa đủ bù đắp những phần tăng của giá nguyên, nhiên vật liệu. Do đó, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng rất khó khăn”, ông Việt nêu rõ.

Tại thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp thép vẫn chưa chính thức công bố báo cáo tài chính quý IV/2023. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III/2023 cũng đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp ngành thép báo lỗ. Cụ thể, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - Tisco (mã chứng khoán TIS) có doanh thu ở mức 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu giảm trong khi chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp đều tăng ở mức lần lượt là 13% và 36% so với cùng kỳ đã khiến tổng lỗ sau thuế của doanh nghiệp là 59 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 5 liên tiếp của Tisco.

Công ty CP Thép Vicasa - VnSteel cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 390 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 và ghi nhận mức lỗ khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này được cho là khả quan vì đã giảm nhiều so với số lỗ 22 tỷ đồng mà công ty này ghi nhận trong quý II. Như vậy, tính từ đầu năm 2023, lũy kế của Thép Vicasa đạt doanh thu 1.256 tỷ đồng và vẫn có lãi sau thuế hơn 3,5 tỷ đồng do kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm tăng cao, trong khi cùng kỳ 2022 lỗ 12,5 tỷ đồng.

Nhu cầu thép sẽ phục hồi

Những ngày đầu tháng 1/2024, thị trường thép xây dựng trong nước đã có đợt điều chỉnh giá đầu tiên khi các nhà sản xuất đồng loạt tăng giá bán thép cuộn và thép thanh vằn các loại với mức tăng phổ biến 200.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép thanh vằn trong nước đang dao động quanh mức 14,2-14,85 triệu đồng/tấn, giá thép cuộn xây dựng dao động từ 14,1 - 14,7 triệu đồng/tấn (giá thanh toán ngay tại nhà máy, chưa VAT, đã trừ chiết khấu theo sản lượng và vùng miền).

Tuy vẫn đang ở vùng thấp, song ông Lê Việt nhận định, giá thép sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi với hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản đã được ban hành sẽ tác động tích cực đến thị trường này, tạo cơ hội khôi phục nhu cầu tiêu thụ thép từ năm 2024.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đa cũng dự báo về triển vọng sản xuất thép của Việt Nam có thể sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025. Tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm tăng 12% lên gần 13 triệu tấn. Ngành thép có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2024 nhờ sự tác động từ thị trường quốc tế. Cụ thể, theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), nhu cầu trên thế giới dự kiến sẽ phục hồi 1,9% so với năm 2023 lên mức 1,8 tỷ tấn, khi thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ hồi phục lần lượt 5,6% và 7,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nguồn cung thép toàn cầu dự kiến giảm nhẹ 1% trong năm 2024 do tác động từ việc Trung Quốc thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng 2% trong năm tới.

Đặc biệt, để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ngành thép Việt Nam cũng đã nỗ lực chuyển đổi số, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Một số doanh nghiệp thép đã tận dụng nhiệt dư phát điện đáp ứng hầu hết nhu cầu điện của nhà máy nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và bước đầu có kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ngành thép vẫn phải đang chịu trách nhiệm cho 7 - 9% tổng lượng phát thải quốc gia và 45% các quá trình công nghiệp (đã được xác định trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu).

Trong bối cảnh đó, việc hội nhập quốc tế thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh như: Chính sách của Trung Quốc hướng tới có thể sẽ dẫn đến đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn, xuất khẩu sản phẩm thép chất lượng cao hơn và sản xuất/nhập khẩu phế liệu sắt; Chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU dự kiến sẽ tác động đến các nước xuất khẩu thép ASEAN (Indonesia, Malaysia, Việt Nam) - đặc biệt trong thời gian đầu; ASEAN đã công bố các mục tiêu giảm nhẹ và zero ròng để đạt được các cam kết trong Thỏa thuận Paris, công suất nhà máy liên hợp dự kiến trong khu vực ASEAN đi vào hoạt động, sẽ có hơn 70 triệu tấn thép đến từ tất cả các nhà máy liên hợp tiềm năng ở ASEAN,… sẽ tác động nhiều đến sẽ sức tiêu thụ của ngành thép Việt Nam.

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thép Việt Nam, trong thời gian tới, Hiệp hội Thép Việt Nam đã đề ra định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên nhận thức về tầm quan trọng của sự bền vững trong ngành công nghiệp thép như: Tích cực khuyến khích các thành viên áp dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng. Đặc biệt, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng sẽ tiếp tục và nâng cao chất lượng các hoạt động thường xuyên như: Tham gia xây dựng Chính sách phát triển ngành thép. Giải quyết kiến nghị, bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành viên….