Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), trong tháng 1/2025, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 46.270 tỷ đồng, chiếm hơn 12% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Đặc biệt, khối ngoại đã thực hiện bán ròng trong tháng này với giá trị lên tới hơn 6.474 tỷ đồng, đánh dấu mức rút ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hàng tỷ USD vốn ngoại đang chờ “đổ” vào thị trường
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2025, ngành chứng khoán cần nỗ lực hơn nữa, đặc biệt trong việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mức mới nổi, nhằm thu hút thêm hàng tỷ USD vốn nước ngoài.
Để làm được điều này, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Đặc biệt, không để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phàn nàn về việc niêm yết chậm, gây mất cơ hội huy động vốn. Cần thay đổi khái niệm "xin niêm yết" thành "mời niêm yết", đối với các doanh nghiệp có chất lượng cao và quy mô lớn.
Thực tế, nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là một chủ trương quan trọng của Chính phủ, nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, với mục tiêu phấn đấu thực hiện trong năm 2025. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Nhìn lại những nỗ lực cải thiện thị trường chứng khoán trong năm qua để đạt được mục tiêu nâng hạng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng. Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, là một trong 9 Luật của Luật số 56/2024/QH15. Năm nay, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các Nghị định và văn bản hướng dẫn để triển khai Luật Chứng khoán sửa đổi, đồng thời triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Đặc biệt, Thông tư 68/2024/TT-BTC với các quy định mới đã giúp gỡ bỏ nhiều rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell. Một trong những điểm đáng chú ý là việc bỏ yêu cầu ký quỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài và ban hành lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, tùy theo quy mô của các doanh nghiệp.
Giám đốc điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu khu vực châu Á Morgan Stanley, ông Young Lee cho biết, các quy định mới tại Thông tư số 68 đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam gần gũi hơn với các yêu cầu của FTSE Russell. Ngoài ra, những thay đổi quan trọng trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là việc bỏ yêu cầu phải có đủ tiền khi đặt lệnh, điều này đã đáp ứng mong muốn của các nhà đầu tư quốc tế cũng là những điểm cộng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đánh giá của FTSE Russell trong kỳ gần nhất vào tháng 9/2024, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí, chỉ còn hai tiêu chí cần cải thiện. Hai tiêu chí này bao gồm việc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ bắt buộc đối với nhà đầu tư nước ngoài trước khi giao dịch (prefunding) và xử lý các giao dịch không thành công (failed trade management). Tuy nhiên, theo cập nhật từ Thông tư 68, hiện Việt Nam chỉ còn thiếu một tiêu chí nữa để có thể đạt chuẩn FTSE.
Ông Young Lee cho biết, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, điều này có thể thu hút khoảng 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động theo các chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường được nâng hạng, các quỹ chủ động cũng sẽ tham gia mạnh mẽ hơn, dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD đổ vào Việt Nam.
Sẽ có một làn sóng IPO vào giai đoạn 2026 - 2027
Ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối Phân tích của Công ty CP Chứng khoán VnDirect, nhận định Thông tư 68 là một bước đi quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông cho rằng, đây sẽ là một phần trong xu hướng giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Thông tư 68 sẽ tạo ra hai tác động chính đối với khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 3 tới. Tác động trực tiếp là việc các nhà quản lý quỹ sẽ tích cực gia tăng phân bổ cho Việt Nam, nhờ vào chi phí đầu tư hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt thu hút các quỹ khu vực hoặc quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên và mới nổi, vốn đang quan tâm đến Việt Nam.
Tác động gián tiếp lớn hơn chính là khả năng FTSE sẽ công bố nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 3. Thông báo này không chỉ cải thiện tâm lý thị trường mà còn kích thích lực mua mạnh mẽ từ các nhà đầu tư cá nhân.
Ông Barry Weisblatt David kỳ vọng, khi Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng vào tháng 9 và các công ty Việt Nam được đưa vào các chỉ số thị trường mới nổi, dòng vốn lớn từ các ETF thị trường mới nổi sẽ đổ vào Việt Nam. Mặc dù có nhiều ước tính khác nhau, ông cho rằng dòng vốn này có thể dao động từ 500 triệu USD đến dưới 1 tỷ USD.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Dragon Capital, sau khi thị trường chứng khoán hoàn tất việc nâng hạng, có thể sẽ chứng kiến một làn sóng IPO “ấn tượng” hơn. Giai đoạn được kỳ vọng nhất là 2027-2028, với quy mô lên tới hàng chục tỷ USD.
Ông Tuấn nhấn mạnh một số tên tuổi lớn như Thaco Auto, Bách Hóa Xanh, Golden Gate, Highlands Coffee, TCBS, Misa, VNPay, Viettel IDC, Nhà thuốc Long Châu, Datviet Vac, Galaxy Media… và dự báo các công ty này sẽ góp phần khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, thu hút dòng vốn không chỉ từ trong nước mà còn từ quốc tế, đặc biệt khi chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.
Tuy nhiên, có một thách thức thị trường cần phải đối mặt là việc sau khi được nâng hạng, phải làm gì để phát huy vị thế mới? Trả lời cho vấn đề này, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán VinaCapital cho biết, yếu tố quan trọng nhất là tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô, cải thiện chất lượng các doanh nghiệp niêm yết và tăng cường quản lý thị trường.
Các doanh nghiệp niêm yết cần nâng cao chất lượng quản trị, công khai minh bạch thông tin và cải thiện hiệu quả hoạt động để củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện quy định và cơ chế giám sát để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và phát triển thị trường một cách bền vững.
Hiện tại, dự án KRX đang ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để triển khai hệ thống trong thời gian tới. Đầu tháng 1/2025, HoSE đã ban hành Quy tắc Chỉ số HoSE Index phiên bản 4.0, thay thế phiên bản 3.1, có hiệu lực từ tháng 3/2025.