Chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh

Thực hiện chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đến năm 2025, thành phố đã triển khai mới “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính”. Đây được xem là bước đi đột phá, toàn diện trong việc xử lý và cung cấp dịch vụ công thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành điện lực TP Hồ Chí Minh có những bước chuyển đổi số toàn diện và đồng bộ.
Ngành điện lực TP Hồ Chí Minh có những bước chuyển đổi số toàn diện và đồng bộ.

Đồng loạt triển khai

Đến trụ sở Công an phường An Phú (TP Thủ Đức) nộp hồ sơ đăng ký tạm trú cho người thuê trọ, bà Nguyễn Hoa Hồng (59 tuổi, ngụ đường Nguyễn Hoàng, phường An Phú) được cán bộ công an phường tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia. “Gia đình tôi có phòng trọ cho thuê nên thường xuyên đi đăng ký tạm trú cho khách. Nhưng giờ đây, nếu thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến sẽ rất tiện lợi, không phải mất nhiều thời gian”, bà Hồng phản ánh.

Tương tự, trước đây, để biết tiền điện nhà mình hằng tháng, ông Chấn Thanh Hưng (quận 12) phải chờ nhân viên ngành điện đến nhà gửi thông báo. Thế nhưng, mấy năm gần đây ngành điện thành phố có nhiều đổi mới. “Chúng tôi không những có thể chủ động xem được số tiền điện nhà mình hằng tháng mà còn thanh toán tiền điện trên các kênh đó luôn. Dù ở bất cứ đâu cũng có thể theo dõi chỉ số xài điện của gia đình, thanh toán qua app với vài thao tác trên điện thoại”, ông Hưng phấn khởi nói.

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) Bùi Trung Kiên cho biết, ngành điện thành phố đã triển khai các phương thức thanh toán tiền điện mới mang lại thuận lợi cho khách hàng như QRCode, Mobile Money; nâng cấp website và App CSKH, ứng dụng AI trong công tác chăm sóc khách hàng (CSKH)... Trong đó, việc kết nối thanh toán qua ứng dụng Mobile Money tăng thêm tiện ích và thuận lợi cho các khách hàng sử dụng điện. Song song đó, EVNHCMC áp dụng tính năng “Ước tính điện năng tiêu thụ” và “Công cụ tính hóa đơn”. Đây là hai công cụ hữu ích giúp khách hàng ước tính số lượng điện tiêu thụ của mỗi thiết bị điện theo tháng để từ đó điều chỉnh thói quen sử dụng điện sao cho hiệu quả nhất.

Về phía chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận 3 Phạm Thị Thúy Hằng cho hay, trước đây để nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người dân phải mất từ bốn đến sáu ngày, từ khi nộp đủ hồ sơ. Nhờ ứng dụng công nghệ, rút ngắn quy trình, hiện quận có thể trả kết quả cho người dân trong bốn giờ làm việc. Việc cấp mã số thuế cũng được thực hiện ngay khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên người dân tiết kiệm được thêm một bước đăng ký mã số thuế. Đối với những trường hợp làm thủ tục khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử… nhân viên hộ tịch tra cứu trên hệ thống mà đã có thông tin thì sẽ cấp giấy ngay, không phải chờ vài ngày như trước.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay thành phố đã triển khai dịch vụ công trực tuyến được 805/1.764 thủ tục hành chính. Số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 gần 800.000 hồ sơ. Tới đây, thành phố sẽ triển khai “Cổng dịch vụ công”, kết nối với “Cổng dịch vụ công quốc gia”. Khi đó, người dân sẽ không phải khai báo lại các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà chỉ dùng một tài khoản định danh thống nhất để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Tiến tới hoàn thiện hệ thống

Nhiều hoạt động trong ngành cấp nước ở TP Hồ Chí Minh cũng đã sử dụng nền tảng công nghệ, như thanh toán hóa đơn nước qua điện thoại, internet; ký hợp đồng cấp nước điện tử thay cho hợp đồng giấy… Các nhà máy nước cũng vận hành theo hướng hiện đại hóa trang thiết bị, phương pháp quản lý, công nghệ, bảo đảm môi trường. Hầu hết các nhà máy được vận hành tự động hóa hoàn toàn thông qua hệ thống SCADA với công nghệ xử lý nước tiên tiến.

Một trong những ngành tạo được đột phá trong chuyển đổi số là ngành giáo dục. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, tính đến hết năm học 2021-2022, ngành đã hoàn thành cơ sở dữ liệu dùng chung, quản lý 2.387/2.387 đơn vị từ giáo dục mầm non đến giáo dục thường xuyên và sử dụng thí điểm 12 phần mềm dạy học trực tuyến với nội dung khai thác từ kho dữ liệu dùng chung này. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Nguyễn Văn Hiếu cho hay, ngành giáo dục cũng đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022 - 2023. Theo đó, yêu cầu các trường tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án và kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngành giáo dục thành phố đặt ra ba mục tiêu lớn, gồm: Xây dựng hệ thống học tập đồng bộ và kho học liệu mở làm nền tảng cho xây dựng xã hội học tập; sử dụng AI để phân tích trên nền dữ liệu lớn (big data) cho những đánh giá, định hướng tổng quát chính xác hơn; ứng dụng chuỗi khối (blockchain) trong quản lý, xác thực và liên thông điểm số, văn bằng.

Để thực hiện chuyển đổi số toàn diện, TP Hồ Chí Minh sẽ có những giải pháp và lộ trình chuyển đổi, bảo đảm không ảnh hưởng đến việc cung ứng dịch vụ công cho người dân. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Lâm Đình Thắng cho biết, Sở đang xây dựng và tham mưu triển khai chiến lược dữ liệu để từng bước nâng cao chất lượng hệ thống, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố và các quận, huyện, sở, ngành để thực hiện tái cấu trúc quy trình nội bộ xử lý thủ tục hành chính. Trong đó, sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số bằng việc tiếp nhận thông tin, hỗ trợ các đơn vị, người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.