Chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, tính đến 17 giờ ngày 7/5, toàn thành phố có 103.000 thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, chiếm khoảng 92% tổng số thí sinh đang học lớp 12 tại các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh tìm hiểu quy chế của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NAM NGUYỄN
Thí sinh tìm hiểu quy chế của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NAM NGUYỄN

Nhiều khâu chuẩn bị đã sẵn sàng

Trong số các thí sinh đã đăng ký dự thi, có 90.930 thí sinh đăng ký dự thi lấy kết quả để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển vào đại học; có 9.362 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT; số còn lại đăng ký dự thi lấy kết quả xét tuyển vào đại học. Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, thí sinh đăng ký dự thi đúng thời gian quy định và thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT, hạn cuối vào 17 giờ ngày 10/5/2024. Như vậy, thí sinh còn hai ngày nữa để đăng ký dự thi. Thí sinh lưu ý kiểm tra thật kỹ thông tin bài thi, môn thi, vì sau ngày 10/5 thí sinh không được quyền điều chỉnh thông tin bài thi, môn thi.

Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục yêu cầu các nhà trường tăng cường rà soát đối tượng đăng ký dự thi; thường xuyên kiểm tra thông tin phản hồi sai sót của thí sinh để chỉnh sửa và thông báo kết quả chỉnh sửa cho thí sinh.

Nhằm kịp thời hướng dẫn, tiếp nhận và giải đáp những băn khoăn thắc mắc của thí sinh liên quan đến việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT công bố tổng đài hỗ trợ thí sinh. Theo đó, trong suốt thời gian đăng ký dự thi, thí sinh trên cả nước có thể liên hệ theo số máy 18008000 nhánh số 2 để được hỗ trợ, hướng dẫn và cung cấp các thông tin liên quan đến việc đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh đọc kỹ hướng dẫn trước khi đăng ký dự thi và thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh cũng cần lưu ý, nếu đang là học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 thì đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến tại hệ thống quản lý thi

https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn. Nếu là thí sinh tự do thì đăng ký dự thi trực tiếp tại các địa điểm đăng ký dự thi do sở GD&ĐT quy định.

Khi đăng nhập lần đầu, hệ thống yêu cầu thí sinh bắt buộc phải đổi mã đăng nhập (mật khẩu). Thí sinh có trách nhiệm bảo mật thông tin tài khoản, mật khẩu được cấp để đăng nhập vào hệ thống. Thí sinh cần ghi nhớ mật khẩu sau khi đổi. Trong trường hợp quên mật khẩu, thí sinh cần liên hệ với nhà trường để xin cấp lại mật khẩu hoặc bấm vào nút quên mật khẩu trên hệ thống để lấy lại mật khẩu. Trong thời gian đăng ký dự thi (từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5/2024), thí sinh có thể đăng nhập vào hệ thống để kiểm tra và chỉnh sửa lại thông tin của mình cho chính xác. Trước khi đăng nhập hệ thống để đăng ký dự thi, thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin cá nhân, file ảnh chụp chân dung (4 x 6), file ảnh chứng chỉ ngoại ngữ miễn thi (nếu có) và các minh chứng để hưởng chế độ ưu tiên.

Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác thanh tra coi thi tại 63 sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố. Số lượng cán bộ tối thiểu tham gia đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trực tiếp tại một điểm thi theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi có hai người; từ 20 đến 40 phòng thi có ba người; từ 41 phòng thi trở lên có bốn người. Đối với các điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau thì số cán bộ kiểm tra tại điểm thi đó có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do trưởng đoàn kiểm tra quyết định.

Bộ GD&ĐT sẽ có quyết định điều động cán bộ, giảng viên cơ hữu của các cơ sở giáo dục đại học làm nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác thanh tra coi thi tại 63 sở giáo dục và đào tạo trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các sở giáo dục và đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại các điểm thi và việc chuẩn bị in sao đề thi.

Cùng với các đoàn kiểm tra “cắm chốt” trực tiếp tại các điểm thi tại 63 tỉnh, thành phố, Bộ GD&ĐT yêu cầu thanh tra Bộ, thanh tra sở GD&ĐT chuẩn bị lực lượng để thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh hoặc chỉ đạo của lãnh đạo, đồng thời dự phòng tình huống xảy ra do thiên tai, dịch bệnh.

Ôn luyện sao cho hiệu quả

Xác định khâu đăng ký dự thi là một trong những khâu quan trọng nhất với học sinh, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang vừa tăng cường tổ chức ôn tập, vừa phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh đăng ký dự thi. Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) cho biết, nhà trường duy trì việc mở các phòng máy tính có kết nối internet và bố trí giáo viên trực, sẵn sàng hỗ trợ học sinh trong suốt thời gian đăng ký dự thi từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5. Trong trường hợp học sinh đăng ký tại nhà, nếu gặp khó khăn, thắc mắc, giáo viên cũng sẵn sàng hỗ trợ.

Về định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) lưu ý: Ngoài ba môn tương ứng với ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, học sinh tùy theo lựa chọn đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội có kế hoạch tham gia ôn tập theo hướng dẫn của thầy, cô giáo ở trường và chủ động hệ thống hóa kiến thức cơ bản.

Với sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, học sinh có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để hệ thống hóa kiến thức. Thí dụ lập bảng, vẽ sơ đồ, bản đồ tư duy hay làm đề cương tóm tắt những nội dung kiến thức quan trọng, cốt lõi theo cách mà các em thấy có thể dễ nhớ, dễ hiểu nhất. Tuy nhiên, dù là cách nào thì các em học sinh cũng cần lưu ý khi hệ thống hóa kiến thức cần tập trung làm rõ mối liên hệ giữa các đơn vị kiến thức cơ bản ở trong mỗi bài học, mỗi chủ đề, mỗi chương và giữa các chủ đề, các chương trong chương trình môn học.

Tiếp theo là hệ thống hóa những ứng dụng của kiến thức trong thực tế thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập, bài thực hành trong chương trình môn học (có trong sách giáo khoa, sách bài tập và do giáo viên cung cấp, hướng dẫn).

Học sinh cần lưu ý phải tự lực thực hiện việc hệ thống hóa kiến thức chứ không sao chép của người khác hay nhờ người khác làm giúp. Vì quá trình hệ thống hóa kiến thức chính là quá trình tự học để nắm vững kiến thức trong mối quan hệ với những kiến thức khác trong chương trình cũng như những ứng dụng của kiến thức trong thực tiễn, giúp học sinh ghi nhớ sâu và cũng hiểu được phần nào mình hiểu chắc chắn, phần nào còn yếu, còn chưa rõ để tự ôn tập thêm hoặc nhờ thầy, cô giáo hỗ trợ, giảng giải thêm.

Các thầy, cô giáo không nên yêu cầu học sinh làm quá nhiều bài tập, đề thi có cùng dạng mà có thể chỉ cần làm với số lượng vừa đủ nhưng bao quát hết các dạng bài tập tương ứng với yêu cầu của nội dung cốt lõi.

Hiện nay nguồn tài liệu ôn tập có rất nhiều và cũng dễ tìm kiếm trên mạng. Nhưng tài liệu chính để học sinh ôn tập vẫn là sách giáo khoa và vở ghi các bài học đã học, các dạng câu hỏi, bài tập, bài thực hành... đã làm trong quá trình học tập. Các em học sinh cần dựa vào đó để ôn tập thật chắc từng đơn vị kiến thức cơ bản. Với mỗi đơn vị kiến thức cơ bản đó, khi quay lại ôn tập, các em có thể tìm kiếm thêm tài liệu là những câu hỏi, hệ thống bài tập để luyện tập.

Các em cần chú ý tới các câu hỏi mở liên hệ với thực tiễn cuộc sống, yêu cầu vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Những tình huống cuộc sống trong câu hỏi thi có thể không có trong sách, trong nội dung bài giảng nhưng khi đã nắm vững kiến thức cơ bản các em đều có thể đáp ứng được yêu cầu.

Trong quá trình ôn tập cho học sinh tại các nhà trường, Bộ GD&ĐT cũng đã có lưu ý các trường tổ chức phân loại trình độ học sinh để có kế hoạch ôn tập sát với các nhóm đối tượng. Tùy theo các nhóm đối tượng học sinh, thầy, cô giáo có thể cung cấp thêm cho học sinh tài liệu tham khảo để luyện tập nhưng không nên quá nhiều, gây nên sự quá tải không cần thiết.