Chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố lịch kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, kỳ thi được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023. Trong đó, ngày 27/6 thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 thí sinh làm bài thi bốn môn. Ngày 30/6 là thời gian dự phòng cho kỳ thi.
0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Hướng tới kỳ thi nghiêm túc, công bằng

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo tổ chức thi và đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội. Theo đó, phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... về cơ bản giữ nguyên như các năm 2021, 2022. Chỉ thực hiện điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức kỳ thi an ninh, an toàn. Từ việc tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với gần một triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng là thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi. Điều này được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi. Cùng với các đoàn kiểm tra của Bộ, đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.

Tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bên liên quan tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, đặc biệt là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả. Trong đó, yêu cầu các hội đồng thi phổ biến đầy đủ, quán triệt kỹ quy chế thi cho thí sinh, lưu ý thí sinh tuyệt đối không được sử dụng những thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi. Trong đó, đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.

Đề thi bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản

Ngày 1/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT. Các môn thi tốt nghiệp THPT gồm Toán, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (bảy thứ tiếng: Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).

Liên quan đến việc ôn thi tốt nghiệp THPT, PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Nội dung đề thi bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Vì thế, học sinh dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn tập. Học sinh có thể tham khảo đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để biết định dạng, cấu trúc đề thi và làm thử các bài kiểm tra theo dạng đề sau mỗi chương, chủ đề trong quá trình học tập”.

Ông Thành lưu ý, học sinh lớp 12 cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập đối với từng môn học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Các em chú ý xây dựng đề cương ôn tập ngay theo từng chương, từng chủ đề của chương trình đã học và tiếp tục cập nhật dần trong quá trình học tập các nội dung tiếp theo. Nên xây dựng đề cương theo dạng sơ đồ hóa để dễ nhớ. Trên cơ sở đề cương đã xây dựng, cần luyện tập theo các câu hỏi, bài tập liên quan tới từng đơn vị kiến thức để nắm vững đơn vị kiến thức đó trước khi mở rộng luyện tập theo các câu hỏi, bài tập yêu cầu vận dụng các kiến thức liên quan trong từng chủ đề, từng chương của chương trình. Qua đó nắm vững và vận dụng được kiến thức theo bốn mức độ yêu cầu của các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Đối với các trường vào giai đoạn nước rút ôn luyện, ông Thành đề nghị, kỳ thi tốt nghiệp THPT có bài thi theo dạng trắc nghiệm nên các trường chú trọng ôn luyện trắc nghiệm cũng dễ hiểu. Nhưng để giúp học sinh nắm vững kiến thức một cách có hệ thống, có kỹ năng tốt trong việc vận dụng kiến thức để trả lời các câu hỏi, bài tập theo yêu cầu của đề thi thì việc quá chú trọng ôn luyện theo đề thi trắc nghiệm là không hiệu quả.

Trong quá trình dạy học và ôn thi, giáo viên cần chú trọng áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá đã được hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có bài kiểm tra trên giấy, thực hiện dự án học tập, nhiệm vụ học tập cá nhân và theo nhóm, thực hành, trải nghiệm với các phần kiến thức đã học lý thuyết... Quá trình đó giúp học sinh nắm chắc và quan trọng là hiểu được bản chất của nội dung kiến thức và việc vận dụng nó như thế nào, cách nhận diện nó như thế nào trong các tình huống cuộc sống. Nếu học sinh đạt được mức độ đó thì việc hoàn thành bài thi sẽ dễ đạt hiệu quả cao hơn. Đề thi tốt nghiệp có một tỷ lệ câu hỏi gắn với thực tiễn. Học sinh được rèn luyện, kiểm tra với các hình thức đa dạng hơn thì không bỡ ngỡ với những câu hỏi như vậy.

“Học sinh cần được hướng dẫn và chủ động hệ thống kiến thức, nắm vững về nội dung kiến thức và kỹ năng trả lời câu hỏi, bài tập vận dụng các kiến thức đó theo yêu cầu của chương trình môn học. Khi đã thật sự vững kiến thức cơ bản, học sinh sẽ có khả năng vận dụng để giải quyết các câu hỏi, bài tập ở mức độ từ thấp đến cao. Việc cho học sinh luyện tập theo đề thi chỉ nên thực hiện với số lượng phù hợp, chủ yếu giúp học sinh biết cách thức làm bài ở các mức độ khác nhau, phân bố thời gian hợp lý cho bài thi, rèn luyện khả năng tập trung khi làm bài thi...”, ông Thành khuyến cáo.