Chọn bánh Trung thu an toàn

Sau mùa Trung thu năm trước ảm đạm vì Covid-19, thời điểm này, ngoài việc mở thêm các địa điểm bày bán, nhiều cơ sở kinh doanh còn tận dụng lợi thế của thương mại điện tử để rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội hay các nhóm cộng đồng một cách sôi động. Tuy nhiên, chọn một chiếc bánh bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ nên mua bánh Trung thu tại những điểm bày bán có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Chỉ nên mua bánh Trung thu tại những điểm bày bán có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Đến hẹn lại lên, mùa bánh Trung thu lại trở nên sôi động. Bên cạnh những sản phẩm được sản xuất bởi những cơ sở sản xuất uy tín, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, thị trường còn xuất hiện nhiều loại bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được nhái từ những thương hiệu nổi tiếng khiến người tiêu dùng hoang mang và tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, việc mua bán trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro. Một số đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh chứa các chất phụ gia sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, dùng thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm, thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.

Để chọn bánh Trung thu an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần chú ý theo các tiêu chí quy định trong bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đối với sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo (bánh Trung thu). Theo TCVN 2020, bánh Trung thu cần đạt các tiêu chí về thành phần nguyên liệu theo quy định, yêu cầu cảm quan, các chỉ tiêu lý hóa, giới hạn phụ gia thực phẩm, đóng gói bao bì. Theo đó, người tiêu dùng cần quan sát các thành phần của nhãn bánh như sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Trên sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sử dụng cảm quan để đánh giá sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có mầu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc và không có mùi khác lạ. Với hàng loạt các tiêu chí khắt khe, TCVN 2020 chính là mốc đánh dấu chất lượng bánh ngon lại an toàn với sức khỏe người sử dụng.

Với sản phẩm mua trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng lưu ý người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website gồm tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia sức khỏe, thông thường bánh Trung thu được trưng bày trước các cửa hiệu để người mua tiện quan sát và lựa chọn, tuy nhiên sẽ vô tình làm sản phẩm tiếp xúc với ánh nắng, làm gia tăng nhiệt độ của bánh, có thể gây chuyển hóa các chất béo trong nhân bánh, thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật. Vì vậy chỉ nên mua bánh ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện như có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.