Mới đây, Chi cục Thú y TP Hà Nội đã thông tin về việc thành lập đội săn bắt chó thả rông, sau khi đề xuất này được UBND thành phố phê duyệt. Theo đó, chó lang thang, không rọ mõm, không có chủ đi cùng ở những nơi công cộng sẽ bị bắt và mang về phường. Sau 48 giờ, nếu không có chủ đến nhận và nộp phạt, chúng sẽ bị tiêu hủy.
Hiện nay, chó là vật nuôi phổ biến ở các khu tập thể và trên địa bàn các phường, xã. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện nhiều trường hợp chó mắc dại, nghi mắc dại, chó thả rông, chó lạ cắn người tại một số quận, huyện, gây tâm lý hoang mang cho người dân, trong đó đã có người chết do phát bệnh dại và bị chó cắn. Trước những vụ việc thương tâm do chó cắn xảy ra gần đây, người dân yêu cầu lực lượng chuyên trách của chính quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những vi phạm về nuôi và quản lý vật nuôi.
Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, thì hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra đường sẽ bị xử phạt từ 600.000 - 800.000 đồng. Chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu hủy.
Đại diện Chi cục Thú y TP Hà Nội cho biết: “Đội phản ứng nhanh săn bắt chó thả rông” thí điểm ở quận Thanh Xuân được thành lập sau khi Hà Nội tham khảo mô hình của TP Hồ Chí Minh. Theo đó, kế hoạch thành lập đội săn bắt chó thả rông mở rộng toàn thành phố sẽ giúp người nuôi ý thức hơn khi mang chó ra ngoài đường phải có rọ mõm, bảo đảm an toàn cho người chung quanh cũng như hạn chế tình trạng súc vật chạy tự do ngoài đường và từng bước ngăn chặn bệnh dại.
Theo đó, UBND các phường và các tổ dân cư sẽ thành lập những đội xung kích và tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh dại và săn bắt chó thả rông, cũng như được tập huấn kỹ năng giám sát, bắt giữ và xử lý chó. Ngoài ra, thành phố cũng đang chuẩn bị hai điểm lưu giữ ở Thanh Trì và Thường Tín để chăm sóc chó khi bị thu gom.
Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Khi người bệnh lên cơn dại, 100% dẫn tới tử vong. Hiện Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm soát đàn chó, mèo và loại trừ bệnh dại thông qua việc tiêm phòng vaccine. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hằng năm trung bình có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, mỗi ca điều trị dự phòng động vật cắn (chủ yếu là chó) tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước khoảng 600 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nhiều trường hợp bị chó nghi dại cắn, cào nhưng không tiêm phòng vaccine, thậm chí chữa trị ở thầy lang thay vì đến cơ sở y tế đã dẫn đến thiệt mạng.