Chờ không gian công viên mới

Nhiều người hy vọng sau khi cải tạo, diện mạo các công viên Bách Thảo, Thủ Lệ và Thống Nhất sẽ là điểm nhấn cảnh quan thu hút du khách cũng như người dân Thủ đô tới vui chơi, giải trí.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ sở hạ tầng trong Công viên Thống Nhất cần nâng cấp để phục vụ người dân.
Cơ sở hạ tầng trong Công viên Thống Nhất cần nâng cấp để phục vụ người dân.

1/ Thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của TP Hà Nội và Kế hoạch 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, ba Công viên Bách Thảo, Thủ Lệ và Thống Nhất sẽ được ưu tiên cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp.

Vấn đề cải tạo, nâng cấp những “lá phổi xanh” đã được đặt ra từ lâu, nhưng việc thực hiện còn chậm trễ. Từ năm 2014, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu 60 công viên, vườn hoa đô thị (trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới, cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có). Có điều, đến nay việc cải tạo vẫn chưa có nhiều biến chuyển, dù tình trạng xuống cấp nặng nề đã xảy ra ở hầu hết các công viên.

Được hình thành từ vùng đầm, hồ và bãi rác với diện tích hơn 50ha, phần diện tích mặt hồ chiếm 28ha, Công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn nhất ở Thủ đô, có vị trí thuận lợi tiếp giáp các mặt phố Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu. Công viên được xây dựng từ năm 1958, hoàn thành vào tháng 5/1961 với sự đóng góp của hàng chục nghìn ngày công lao động công ích của sinh viên, thanh niên và người dân. Tuy nhiên, sau hơn nửa thế kỷ đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục của công viên đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

Thành phố chủ trương cải tạo Công viên Thống Nhất thành công viên mở không có hàng rào, có các điểm đấu nối công viên với bên ngoài được thiết kế hài hòa với giao thông hè đường. Các hạng mục và hoạt động công cộng cơ bản trong công viên sẽ gồm các khu tiểu cảnh, cây xanh vườn hoa, khu giao lưu văn hóa, các sân vui chơi giải trí, sân tập thể dục dưỡng sinh, chòi nghỉ, hành lang thư giãn ngắm cảnh, các tiểu cảnh sinh động để có thể làm nơi chụp ảnh kỷ yếu. Ngoài ra, bố trí 2-3 khu vệ sinh công cộng kết hợp chỗ phục vụ giải lao, giải khát. Các hạng mục này được bố trí rải rác và phân bổ đều theo đường dạo quanh công viên. Giao thông kết nối trong công viên chủ yếu là đường đi bộ kết hợp các sân chơi, thể dục thể thao, chỗ nghỉ… tạo thành một hệ thống khép kín liên hoàn, có thể tiếp cận từ ngoài và trên cả bốn mặt đường vào công viên.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cách quản lý hệ thống công viên theo hướng mở để mọi người dân đều có quyền tiếp cận mà không phải trả tiền phí vào cổng là xu hướng nhiều nước đang thực hiện. Tuy nhiên, cần đánh giá đầy đủ, thực hiện có lộ trình, kịch bản rõ ràng. Bởi nếu bỏ hàng rào mà không có sự phối hợp đồng bộ thì khó quản lý về mặt quy hoạch đô thị. Do đó, phải bảo đảm từ cơ chế quản lý, vận hành công viên, đến tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất. Nếu không, những vấn đề về giao thông, trật tự an ninh, an sinh xã hội, đặc biệt tệ nạn xã hội rất dễ phát sinh.

2/ Ngoài Công viên Thống Nhất, hai Công viên Bách Thảo và Thủ Lệ cũng được lên phương án cải tạo, tu bổ, sửa chữa. Hiện nay, tại Công viên Bách Thảo, hệ thống hạ tầng xập xệ, hoen gỉ, bong tróc, nhiều tác phẩm nghệ thuật, hạng mục công trình tại đây cần được trùng tu, thay thế để bảo đảm an toàn. Trong khuôn viên thiếu công trình phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí; điểm nhấn cảnh quan nghèo nàn nên không thu hút được du khách… Còn tại Công viên Thủ Lệ hay còn gọi là Vườn thú Hà Nội, nơi thường xuyên là điểm đến ưa thích mỗi dịp nghỉ lễ hay cuối tuần của rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em, nhưng cũng không khá hơn. Tình trạng èo uột, thiếu đầu tư cơ sở vật chất hiện đại khiến công viên này khá tẻ nhạt. Hệ thống chuồng trại và các khu nuôi nhốt chật chội, không được nâng cấp nên không tận dụng hết công năng để các con thú vận động, do đó ảnh hưởng đến việc chăm sóc, nuôi nhốt cũng như phục vụ khách tham quan.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, công viên phải là nơi gặp gỡ, vui chơi, giải trí, là nơi để mọi người dân có thể giao lưu, hưởng thụ cuộc sống, nhất là khi Hà Nội đang có mật độ dân số quá đông, không gian công cộng bị bóp nghẹt trong những bức tường bê-tông ngột ngạt. Vì thế, việc mở rộng, phát triển những không gian xanh như công viên, hồ nước là việc làm hết sức cần thiết. Khi công viên chưa thực hiện được hết các chức năng vốn có của mình thì rõ ràng thành phố đang lãng phí nguồn quỹ đất quan trọng để cải thiện môi trường sống của người dân Thủ đô.