Chợ hoa xuân... chờ khách

Thời điểm này những năm trước, hầu như phố nào ở Hà Nội cũng bày bán đào, quất, mai, lan, cây cảnh… trưng Tết. Nhưng năm nay, số lượng đào quất, mai, cây cảnh xuống phố lại có phần nhạt nhòa hơn hẳn.
0:00 / 0:00
0:00
Tết đã cận kề nhưng thị trường cây cảnh vẫn khá yên ắng.
Tết đã cận kề nhưng thị trường cây cảnh vẫn khá yên ắng.

1/ Thời điểm này, làng đào Nhật Tân đã hoàn tất các công việc để sẵn sàng phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh của người dân Thủ đô dịp Tết, không khí tại vườn trở nên nhộn nhịp, tất bật hơn. Theo chia sẻ của chị Hường, chủ vườn đào Hường Cộng, quận Tây Hồ: “Đào năm nay không bị mất giá, tuy nhiên, sức mua chậm hơn nhiều so mọi năm. Nhiều nhà vườn ở đây chỉ thấy lác đác người mua, vẫn chưa thấy tấp nập như thường lệ”. Tại vườn chị Hường, một số chậu đào “khủng” đã cho khách thuê với giá khoảng 5-20 triệu đồng/cây, tùy theo độ đẹp, tuổi đời của cây. Hơn nửa số cây còn lại vẫn chưa có chủ bởi tiểu thương ở các vùng lân cận tới mua giảm, gia đình chị đau đáu lo không bán được trong khi công sức chăm nom cả năm đều trông chờ vào vụ này. Có lẽ, kinh tế khó khăn nên ít người dám “ôm” những cây đào, quất đẹp, độc, khủng vì giá thành cao, vốn lớn, nhập về không bán được là có nguy cơ vỡ nợ”, chị nói.

Mặc dù nền kinh tế đang dần hồi phục sau đại dịch nhưng nhiều người buôn và các chủ vườn đều thận trọng, không dám đánh liều vào vụ hoa xuân. Có lẽ vì thế mà mấy năm qua, thực trạng chung của các làng nghề cây cảnh dịp Tết đều đìu hiu. Khách buôn vắng bóng, các chủ vườn đều lo lắng, sợ mất Tết. “Những năm trước đây, bằng giờ này, khách từ các tỉnh đưa ô-tô tải đến mua buôn cả vườn rồi đưa đi chợ hoa các tỉnh, thành phố khác để bán. Nhưng sau hơn hai năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều người thắt chặt chi tiêu nên hàng đi chậm lắm”, ông Thành, chủ vườn quất Tứ Liên cho biết.

Vườn đào Nhật Tân dịp này tràn ngập sắc hồng. Những cánh đào đã bung sắc rực rỡ nhưng chỉ thấy nam thanh, nữ tú rủ nhau đến chụp ảnh là nhiều. Không còn cảnh tấp nập người mua như mọi khi mà chỉ lác đác vài người đến xem đào, ngắm đào… cho có không khí Tết. Thi thoảng có người chọn mua được một cành về chơi, vì thế đa số đều trong cảnh người trồng đào ngóng người mua.

2/ Nhà vườn vắng vẻ, tại các chợ hoa như Quảng An, Hoàng Hoa Thám, Hàng Lược, Vạn Phúc… cũng không khá hơn là mấy dù chủng loại hoa Tết tại các chợ này rất phong phú, đa dạng từ đào, mai, lan, đến các loại cây cảnh như quất, bưởi, quýt… Ngoài ra còn có các loại đồ thủ công mỹ nghệ như lục bình, bàn ghế, sập, tủ… cùng nhiều mặt hàng phục vụ ngày Tết với đầy đủ mẫu mã, kiểu dáng theo tiêu chí độc, lạ. Đặc biệt, vài năm qua có sự xuất hiện của những cành lê, mận được chở từ rừng về phố để phục vụ người dân chơi Tết. Thế nhưng, đến nay vẫn nằm lặng lẽ một góc chờ người mua.

Giới thiệu về sản phẩm của mình, một tiểu thương cho biết, tôi phải vào tận rừng sâu nơi vùng núi Tây Bắc mới tìm được những gốc cây đẹp, độc, lạ. Đào rừng mọc lên từ đá hoặc đào núi trồng, quanh năm bao phủ sương mù nên thân cây to, xù xì. Phần lớn đào rừng là đào phai năm cánh, mầu hồng nhạt, khi nở cánh đào rắn chắc, lâu phai. Dù vậy, anh cũng thừa nhận rằng, mức tiêu thụ hoa năm nay kém hơn nhiều so các năm trước. “Từ khi mang đào rừng xuống phố, mỗi ngày tôi chỉ bán được vài cành, giá bán cũng thấp hơn mọi năm. Hy vọng vài ngày nữa, người dân đi sắm Tết đông trở lại, chứ không chúng tôi lỗ trắng. Bởi ngoài tiền vốn bỏ ra mua cây, tiền thuê xe, tiền thợ đánh, tiền thuê chỗ ngồi… chi phí cả trăm triệu đồng. Nếu không bán được hàng, ngày cuối năm đành phải giảm giá sâu để gỡ vốn”, anh chia sẻ.

Thị trường hoa xuân ế ẩm khiến hệ lụy kéo sang cả cánh vận tải, chở cây thuê vì không có việc. Ông Nguyễn Văn Dũng (Thanh Trì, Hà Nội) chạy xe ôm cho biết, dịp Tết các năm trước, ông trực 24/24 giờ tại chợ hoa xuân để chở cây cảnh thuê cho khách, mỗi ngày cũng kiếm được tiền triệu. “Gần một tuần nay, chỉ được vài cuốc chở cây cho khách. Không có người mua, chủ buôn cũng khổ, cánh xe ôm chở thuê như chúng tôi cũng mất thu nhập”, ông nói.

Thời gian của năm cũ đang đếm ngược trong từng giờ, cả tuần nay, những người bán hoa, cây cảnh phải chấp nhận sống tạm bợ, phơi gió, nằm sương trên những con phố ở Thủ đô Hà Nội. Tết của nhiều gia đình trong số họ vẫn chờ vào kết quả buôn bán, nhưng nếu cứ èo uột thế này thì khả năng có một cái Tết ấm no, đủ đầy sẽ còn rất gian truân.

Nhiều chủ vườn đã rất chịu khó đưa đào, quất bán online trên các nền tảng số, trang mạng xã hội hoặc livestream để khách hàng có thể trực tiếp lựa chọn được mặt hàng ưng ý. Do không mất nhiều chi phí thuê cửa hàng và nhân viên nên giá bán tại các cửa hàng online thường thấp hơn so ngoài thị trường, giúp người tiêu dùng có thể hạn chế được chi tiêu. Chỉ có điều, thị trường ảm đạm, người mua ít khiến nhiều tiểu thương lo lắng, bồn chồn không yên.