“Cho đi là còn mãi”

Với thông điệp “cho đi là còn mãi”, thời gian qua, việc đăng ký hiến mô, tạng đã và đang lan tỏa, thu hút nhiều người tham gia. Việc làm này giúp hồi sinh nhiều cuộc đời, mang lại niềm hạnh phúc cho những số phận kém may mắn.
Người dân xã Hải Phúc (huyện Hải Hậu, Nam Định) đăng ký hiến mô, tạng, giác mạc. Ảnh: THÁI BÌNH
Người dân xã Hải Phúc (huyện Hải Hậu, Nam Định) đăng ký hiến mô, tạng, giác mạc. Ảnh: THÁI BÌNH

Hai năm 2022 và 2023, với hơn 1.000 ca ghép mỗi năm bao gồm ghép thận, gan, tim, phổi... Việt Nam hiện là nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 đã tăng 15% so năm 2022, cho thấy sự tiến bộ và quyết tâm của ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Cách đây chưa lâu, tại phòng mổ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), các nhân viên y tế đã cúi đầu tri ân người đàn ông chết não là anh N.Đ.T (32 tuổi, trú tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng chấn thương đầu nặng. Được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng chấn thương quá nặng, anh T. được chẩn đoán chết não. Tổ vận động hiến tạng của bệnh viện đã gặp gia đình, giải thích về tình trạng bệnh nhân và chia sẻ về ý nghĩa của việc hiến tạng cứu người…

Chị Trần Hương Giang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, chia sẻ: Tôi tâm niệm cho đi là còn mãi, cho đi cũng có nghĩa là nhận lại, khi sống thì sống có ý nghĩa và khi mất đi cũng muốn để lại một chút đóng góp nhỏ bé cho cuộc đời. Qua báo chí, tôi được biết hiện nay có rất nhiều người bệnh đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống và sự sống của họ chỉ có thể được tính bằng ngày, bằng tháng nếu như không được ghép mô, tạng kịp thời. Vì vậy, tôi đã quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng để mong tái sinh thêm nhiều sự sống trong cuộc đời.