Chính phủ và giới y tế Hàn Quốc lên kế hoạch đàm phán

Chính phủ Hàn Quốc hoan nghênh động thái của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) thành lập một ủy ban để tiến hành đàm phán. Quyết định khá bất ngờ của KMA cho thấy cuộc khủng hoảng ngành y ở “xứ kim chi” có thể sắp được tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Các quan chức Chính phủ Hàn Quốc tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul. Ảnh: YONHAP
Các quan chức Chính phủ Hàn Quốc tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul. Ảnh: YONHAP

Dấu hiệu nhượng bộ

Người đứng đầu KMA Lim Hyun-taek vừa ra quyết định thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm tham gia các cuộc đàm phán với chính phủ. Dư luận Hàn Quốc tỏ ra vui mừng trước dấu hiệu nhượng bộ này của KMA. Ngay sau khi được thành lập, ủy ban này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên, trong đó bày tỏ hoan nghênh lập trường của Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy đàm phán với các bác sĩ mà không đưa ra các yêu cầu về nội dung và hình thức đàm phán. KMA cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc tỏ rõ quyết tâm tháo gỡ cuộc khủng hoảng y tế.

Trong bối cảnh đó, các giáo sư tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNU) và các đơn vị liên kết quyết định chấm dứt cuộc đình công vô thời hạn. Các giáo sư nhấn mạnh, họ không muốn bỏ mặc bệnh nhân, những người đang cần điều trị y tế.

Cuộc đình công bắt đầu từ tháng 2 vừa qua của các bác sĩ khiến các bệnh viện lớn ở Thủ đô Seoul thiệt hại nặng nề. Theo giới chức Seoul, hai bệnh viện lớn gồm Trung tâm Y tế Seoul và Trung tâm Y tế Boramae có thể thiệt hại gần 100 tỷ won (khoảng 71,89 triệu USD) chỉ riêng trong năm nay nếu các bác sĩ thực tập không quay lại làm việc. Trong số 203 bác sĩ tại Trung tâm Y tế Seoul, có 22% là bác sĩ thực tập, trong khi ở Trung tâm Y tế Boramae là 33,9%.

Cuộc đình công kéo dài bốn tháng khiến tỷ lệ lấp đầy giường bệnh tại hai cơ sở y tế này giảm hơn 20%, số bệnh nhân ngoại trú của Trung tâm Y tế Boramae giảm hơn 10%. Hai trung tâm y tế trên phải kích hoạt chế độ quản lý khẩn cấp và áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí. Trước tình trạng khó khăn này, chính quyền Seoul thông báo đang lên kế hoạch hỗ trợ gói tài chính trị giá 45,6 tỷ won giúp hai bệnh viện này duy trì hoạt động khám, chữa bệnh và các dịch vụ y tế cần thiết cho người dân.

Các biện pháp cứng rắn

Cơ quan điều tra quốc gia Hàn Quốc đang tiến hành điều tra 5 bác sĩ, trong đó 4 người làm việc ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, liên quan cáo buộc vi phạm đạo luật y tế của nước này khi tham gia đình công tập thể. Thông tin trên được Giám đốc Cơ quan điều tra quốc gia Hàn Quốc Woo Jong-soo tiết lộ với báo chí. Theo ông Woo Jong-soo, cuộc điều tra được thực hiện sau khi cơ quan này tiếp nhận đơn kiện của Bộ Y tế và các bệnh nhân, trong đó cáo buộc 5 bác sĩ trên bỏ mặc người bệnh để tham gia đình công.

Các giáo sư, bác sĩ cấp cao tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và các chi nhánh tham gia đình công vô thời hạn từ ngày 17/6, nhằm phản đối kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y thêm 2.000 sinh viên từ năm 2025. Dư luận phản ứng mạnh mẽ trước hành động của các giáo sư, bác sĩ cấp cao trong bối cảnh cuộc đình công kéo dài nhiều tháng nay của các bác sĩ tập sự khiến hoạt động khám, chữa bệnh của người dân bị đình trệ. Trước sự phản đối của người dân, nhóm bác sĩ này đã tuyên bố chấm dứt đình công, cho biết họ không thể tiếp tục bỏ mặc bệnh nhân đang cần điều trị.

Kể từ tháng 2 vừa qua, hơn 12.000 bác sĩ nội trú và thực tập sinh tham gia bãi công tập thể, không đến bệnh viện làm việc. Tuy nhiên, bất chấp làn sóng phản đối kéo dài của các bác sĩ, Chính phủ Hàn Quốc kiên quyết thực hiện kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y với một số điều chỉnh, trong đó đáng kể là quyết định giảm chỉ tiêu tuyển sinh xuống 1.500 sinh viên mỗi năm. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng, kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y là nhằm đối phó tình trạng dân số già, cũng như tăng số lượng bác sĩ cho khu vực nông thôn.