Cuộc chạy đua rầm rộ
Dịp cuối tuần qua, chiến dịch vận động tranh cử tại Mỹ bước vào chặng nước rút, với một loạt sự kiện rầm rộ được tổ chức tại các “bang chiến địa”. Cả Tổng thống đương nhiệm cùng các cựu Tổng thống cùng ráo riết tiến hành những hoạt động vận động cuối cùng trước ngày cử tri chính thức đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được dự báo có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trên chính trường Mỹ trong hai năm tới.
Tổng thống Joe Biden đẩy mạnh vận động cử tri miền tây ủng hộ các ứng cử viên đảng Dân chủ, mở đầu bằng sự kiện tại trường cao đẳng cộng đồng ở thành phố Albuquerque, bang New Mexico, với bài phát biểu về chương trình xóa nợ cho sinh viên và những chính sách của Nhà trắng mà theo ông là “đã mang lại tiến bộ lớn cho đất nước”. Tiếp đến là chuyến vận động tại các bang California, Illinois và Maryland.
Ông Biden cũng hội ngộ cùng cựu Tổng thống Barack Obama trong sự kiện vận động ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. Cựu Tổng thống Bill Clinton và Phó Tổng thống Kamala Harris xuất hiện tại cuộc vận động của ứng cử viên tranh chức Thống đốc New York.
Trong khi đó, hoạt động của cựu Tổng thống Donald Trump vận động ủng hộ các ứng cử viên đảng Cộng hòa kéo dài đến sát ngày bỏ phiếu, diễn ra liên tiếp tại bốn “bang chiến địa”, gồm Iowa, Florida, Pennsylvania và Ohio. Các sự kiện vận động của cả phe Dân chủ và Cộng hòa được tổ chức rầm rộ tại bang Pennsylvania, nơi được đánh giá là địa bàn chủ chốt quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện.
Mối quan tâm hàng đầu
Cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ viện và một phần ba (35 ghế) trong tổng số 100 ghế Thượng viện. Hiện đảng Dân chủ chiếm đa số ở cả lưỡng viện, với 220 ghế tại Hạ viện, 50 ghế tại Thượng viện cùng lá phiếu của Phó Tổng thống đồng thời là Chủ tịch Thượng viện. Đảng Dân chủ đặt mục tiêu duy trì vị thế đa số dù mong manh, trong khi phe Cộng hòa nỗ lực giành lại kiểm soát, ít nhất tại một viện.
Ngoài việc lựa chọn đại biểu vào lưỡng viện Quốc hội, cử tri Mỹ cũng bầu lại hàng loạt vị trí Thống đốc bang và lãnh đạo chính quyền địa phương. Vì thế, bầu cử giữa kỳ có thể được xem như cuộc trưng cầu ý dân về kết quả điều hành của chính quyền Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ trong hai năm qua. Kết quả bầu cử cũng cho thấy đường hướng chính sách cả đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong hai năm tới.
Trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra, hơn 34 triệu cử tri Mỹ đã tham gia bỏ phiếu sớm, tại 47 bang trên toàn nước Mỹ.
Truyền thông Mỹ dẫn nhận định của giới quan sát cho biết, kinh tế là vấn đề chi phối sự lựa chọn của cử tri trong kỳ bầu cử này. Trang Political đăng kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, có tới hơn 90% số cử tri Mỹ được hỏi bày tỏ lo lắng về kinh tế suy giảm và lạm phát tăng cao. Với mức cao nhất kể từ giai đoạn 1970-1980, lạm phát đang khiến ví tiền người tiêu dùng Mỹ thâm hụt nghiêm trọng. Vì thế, kinh tế là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất đối với cử tri khi tham gia bỏ phiếu.