Trong số những vụ cháy rừng gây thương vong, phải kể đến vụ cháy rừng tại Hawaii trong tháng 8/2023 khiến 97 người thiệt mạng và 31 người mất tích. Cháy rừng cũng cướp đi sinh mạng của 34 người tại Algeria và 26 người tại Hy Lạp vào tháng 7/2023. Theo bà Pauline Vilain-Carlotti, nhà nghiên cứu về địa lý và cháy rừng, số người thiệt mạng có nguy cơ tăng trong những năm tới khi các vụ cháy có nguy cơ ngày càng áp sát vào khu dân cư.
Năm 2023, cháy rừng không chỉ bùng phát tại những khu vực dễ cháy rừng như Hy Lạp, Italy, Tunisia, Algeria, Bắc Mỹ và Australia, mà cả những khu vực ít xảy ra trước đây như quần đảo Hawaii trên Thái Bình Dương, hay đảo Tenerife của Tây Ban Nha. Nhiều khu rừng đã trải qua những trận hỏa hoạn kỷ lục. Tại châu Mỹ, các vụ cháy rừng năm 2023 đã gây ra thiệt hại cao nhất trong lịch sử. Tính đến ngày 23/12/2023, gần 80 triệu ha rừng tại lục địa này bị “giặc lửa” tiêu hủy. Theo Hệ thống thông tin về cháy rừng toàn cầu (GWIS), với số vụ cháy liên tiếp trong mùa hè, Canada có 18 triệu ha rừng chìm trong biển lửa.
Tổng cộng lượng khí thải carbon do cháy rừng ở quốc gia Bắc Mỹ này cũng ở mức cao nhất từng ghi nhận. Dữ liệu của GWIS cho thấy, các vụ cháy rừng ở Canada đã tạo ra khoảng 480 triệu tấn khí thải carbon trong năm 2023. Thực tế là tổng số carbon này gấp gần năm lần mức trung bình trong 20 năm qua, khắc họa rõ nét về cường độ và quy mô của mùa cháy rừng năm 2023 ở Canada. Ảnh hưởng của các đám cháy lớn tới mức đám mây khói đã lan sang Mỹ và thậm chí cả tới châu Âu.
Đáng lo ngại, khi cháy rừng tiếp tục lan rộng, thảm thực vật ít có thời gian để phục hồi, khiến các khu rừng có nguy cơ mất khả năng hấp thụ CO2. Bà Solene Turquety, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khí quyển, Môi trường, Quan sát không gian (LATMOS) của Pháp cho biết, các nghiên cứu gần đây cho thấy cháy rừng làm giảm 10% lượng CO2 hấp thụ của rừng. Bên cạnh đó, khi cháy rừng xảy ra, cây cối bất ngờ giải phóng toàn bộ lượng CO2 mà chúng đã hấp thụ. Kể từ đầu năm 2023, cháy rừng đã thải ra khoảng 6,5 tỷ tấn CO2. Theo nguyên tắc, khoảng 80% lượng khí thải carbon do cháy rừng gây ra sẽ được hấp thụ bởi thảm thực vật mọc lại vào mùa sau; 20% còn lại sẽ tích tụ trong khí quyển, gây ra biến đổi khí hậu.
Ngoài khí CO2, cháy rừng cũng gây ra các chất nguy hiểm như CO, tro bụi... Bà Turquety cho rằng, những chất này ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng không khí và trong trường hợp cháy rừng dữ dội có thể phát tán chất gây hại ra xa hàng trăm km. Cháy rừng có tác động trực tiếp sức khỏe con người, ngoài việc tàn phá các hệ sinh thái, tài sản và cơ sở hạ tầng. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 9/2023, dân số tại những nước nghèo nhất thế giới, đặc biệt là tại miền trung châu Phi, phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí do cháy rừng gây ra nhiều hơn so dân số ở các nước công nghiệp hóa.
Trong bối cảnh các đám cháy rừng năm 2023 đã vượt tầm kiểm soát, nhiều yêu cầu đang đặt ra với năng lực phòng, chữa cháy của các khu vực. Global News dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu John Pomeroy, Chủ tịch Nhóm nghiên cứu về tài nguyên nước và biến đổi khí hậu của Canada cho rằng, hiện chính phủ các nước cần tập trung vào nỗ lực phòng cháy mạnh mẽ hơn. Ngoài việc dự đoán các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, ông Pomeroy kêu gọi các địa phương ở gần rừng có thể chuẩn bị phòng cháy tốt hơn bằng cách quản lý tình trạng thảm thực vật như nhiệt độ, độ ẩm… cũng như các mô hình cảnh báo lũ lụt và hạn hán sớm.