Nỗ lực của Mỹ latin và Caribe
Đại diện 11 quốc gia trong khu vực Mỹ latin và Caribe đã nhóm họp tại thành phố Palenque, bang Chiapas, miền nam Mexico để tìm kiếm giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng di cư mà khu vực này đang phải đối mặt. Hội nghị “Cuộc gặp Palenque: Vì tình láng giềng hữu nghị và thịnh vượng” được tiến hành theo lời kêu gọi của Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador. Sự kiện có sự tham gia của Tổng thống Colombia Gustavo Petro, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, bộ trưởng các nước Costa Rica, Ecuador, Guatemala và Panama.
Với tư cách nước chủ nhà, Mexico mong muốn hội nghị đặt nền móng cho việc giải quyết các nguyên nhân thúc đẩy người dân di cư như nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu cơ hội việc làm và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, cũng như các biện pháp đơn phương từ bên ngoài. Hội nghị ra tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia là điểm đến của người di cư chấm dứt các chính sách “không nhất quán và có chọn lọc”, chẳng hạn như chỉ cấp phép nhập cảnh cho công dân một số nước nhất định. Tuyên bố chung cũng kêu gọi các quốc gia điểm đến mở rộng các con đường an toàn, hợp pháp mà qua đó người di cư có thể đến các quốc gia giàu có hơn nhằm tạo điều kiện cho những người lao động di cư chạy nạn khỏi các quốc gia chìm trong bạo lực, tham nhũng và nghèo đói để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), biên giới Mỹ-Mexico là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới. Năm 2022, có 686 người thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình này. Tính riêng trong năm nay, có 1,7 triệu người di cư đã đến biên giới Mexico-Mỹ. Tình trạng di cư đang trở thành một vấn đề chính trị nổi cộm ở cả hai quốc gia Bắc Mỹ và được xem là có khả năng chi phối kết quả các cuộc bầu cử Tổng thống ở cả hai nước này vào năm tới.
Mỹ mạnh tay với người di cư bất hợp pháp
Mỹ đã chính thức nối lại các chuyến bay hồi hương người Venezuela và chuyến bay đầu tiên chở 127 người di cư đã hạ cánh xuống quốc gia Nam Mỹ cuối tuần trước. Đây là lần đầu sau nhiều năm, cơ quan quản lý nhập cư Mỹ trục xuất người Venezuela về nước. Phát biểu ý kiến trên truyền hình, Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro cho biết các chuyến bay hồi hương sẽ diễn ra hàng tuần, đưa nhiều người Venezuela bị giam giữ từ hai đến ba tháng ở Mỹ về nước. Những người này sẽ được kiểm tra tâm lý xã hội để tái hòa nhập cộng đồng và phục hồi hoàn toàn các di chứng của cuộc di cư.
Chủ tịch Quốc hội Venezuela, Jorge Rodriguez thông báo đã công bố giấy phép của Mỹ để Hãng hàng không quốc gia Venezuela (Conviasa) có thể cung cấp dịch vụ và thực hiện các giao dịch liên quan hoạt động hồi hương người Venezuela từ bất cứ đâu ở Mỹ. Giấy phép này cũng đồng nghĩa với việc Conviasa có thể tiếp cận các dịch vụ và thực hiện những giao dịch thanh toán. Trong khi đó, quyền Phó Giám đốc điều hành Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Mỹ (ICE) Corey Price chia sẻ, đây là chuyến bay hồi hương toàn người Venezuela đầu tiên mà ông chứng kiến trong sự nghiệp. Đối tượng được ưu tiên hồi hương là những người di cư mới đến và các cá nhân đã phạm tội ở Mỹ.
Đại diện Chính phủ Mỹ xác nhận nước này có kế hoạch thực hiện nhiều chuyến bay chở người di cư mỗi tuần hồi hương về Venezuela, phù hợp các biện pháp miễn trừ hạn chế đi lại từ Bộ Giao thông Vận tải Mỹ. Trước đó, nhà chức trách Mỹ tuyên bố nước này sẽ nối lại các chuyến bay hồi hương người di cư Venezuela sau khi đạt được thỏa thuận với Caracas. Venezuela, một trong những quốc gia có nhiều người di cư đến Mỹ qua Mexico, đã nhất trí tiếp nhận lại các công dân của mình.