Châu Âu thúc đẩy năng lượng hydro xanh

Trong nỗ lực hướng tới một tương lai có thể trung hòa khí thải CO2, các nước đầu tàu châu Âu đang thúc đẩy đầu tư, phát triển ngành năng lượng hydro xanh tại “lục địa già”. Bên lề Hội nghị COP26 đang diễn ra ở Anh, Bỉ đã đàm phán thiết lập một hành lang vận chuyển hydro giữa khu vực Mỹ latin với Tây Âu.

Cảng Antwerp của Bỉ sẽ là nơi vận chuyển hydro xanh tới Mỹ latin. Ảnh: SEATRADE MARITIME
Cảng Antwerp của Bỉ sẽ là nơi vận chuyển hydro xanh tới Mỹ latin. Ảnh: SEATRADE MARITIME

Lập hành lang vận chuyển hydro xanh

Chính phủ Bỉ đã phê duyệt chiến lược để biến nước này trở thành trung tâm nhập khẩu và vận chuyển hydro tái tạo. Chiến lược này nhằm mục đích xanh hóa nguồn cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp nặng, vốn thải ra tới 30% lượng khí thải CO2 ở Bỉ, đặc biệt là đối với sản xuất thép, xi-măng, nhôm và thủy tinh.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra ở Glasgow (Anh), lãnh đạo các cảng Antwerp và Zeebrugge của Bỉ đã ký với Chile một biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong việc vận chuyển hydro hoặc các dẫn xuất của nó giữa Tây Âu và quốc gia Mỹ latin này nhằm đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Việc hợp tác sẽ giúp loại bỏ những rào cản cuối cùng nhằm khởi động hiệu quả sản xuất hydro xanh, thiết lập một chuỗi hậu cần giữa các lục địa cũng như tổ chức vận chuyển giữa các cảng của Bỉ và nội địa. Ban quản lý các cảng Antwerp và Zeebrugge cho biết, họ muốn tham gia vào nỗ lực bảo vệ môi trường của Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng, bí quyết và mạng lưới của họ để phân phối khối lượng lớn hydro tại châu Âu.

Trước đó, Bộ trưởng Môi trường liên bang Bỉ Van der Straeten và Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Namibia Tom Alweendo, đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hydro xanh. Thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả hai nước. Bỉ cần một lượng lớn hydro xanh cho ngành công nghiệp sạch và Namibia có nhiều thuận lợi trong sản xuất hydro. Nhờ năng lượng mặt trời, đất nước này có thể trở thành nhà sản xuất hydro xanh quan trọng trên thế giới.

Với bản ghi nhớ này, hai nước hợp tác thành lập một trung tâm năng lượng xanh quy mô lớn ở vùng Erongo (phía tây bắc Namibia). Khu vực này giáp Đại Tây Dương, với cảng Walvis đóng một vai trò quan trọng đối với việc sản xuất và xuất khẩu hydro xanh. Với tư cách là đối tác, một số công ty của Bỉ như Công ty Hàng hải Bỉ (CMB) và các công ty Namibia sẽ hợp tác phát triển một trạm tiếp nhiên liệu hydro, các ứng dụng hydro công nghiệp và một nhà máy điện mặt trời quy mô vừa với công suất 1 triệu tấn hydro xanh/năm vào năm 2026. Một nửa sản lượng hydro này được dành cho xuất khẩu.

Tăng đầu tư cho năng lượng sạch mới

Hiện, các doanh nghiệp và các chính phủ trên thế giới đang chú trọng đầu tư vào năng lượng hydro xanh. Năm 2020, tổng vốn đầu tư cho các dự án sản xuất hydro xanh trên toàn cầu là 150 tỷ USD, đánh dấu sự chuyển biến lớn trong vòng 5 năm vì trước đó không có dự án nào dành cho danh mục này.

Chính phủ Tây Ban Nha có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ euro (tương đương 1,8 tỷ USD) vào sản xuất hydro xanh trong ba năm tới. Số tiền này sẽ lấy từ Quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến đến năm 2030 huy động được 8,9 tỷ euro đầu tư, chủ yếu từ khu vực tư nhân, cho việc phát triển công nghệ này. Madrid đã nhận được hơn 500 đề xuất dự án hydro xanh từ các công ty năng lượng. Nhà sản xuất động cơ và máy phát điện Cummins của Mỹ thông báo sẽ đầu tư 50 triệu euro để xây dựng một trong những nhà máy điện phân lớn nhất thế giới chuyên sản xuất hydro xanh ở khu vực Castilla-La Mancha thuộc Tây Ban Nha. Nhà máy này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023.

Công ty hóa dầu Ineos của Anh cũng thông báo sẽ đầu tư hơn hai tỷ euro vào sản xuất hydro xanh tại châu Âu. Ineos khẳng định, đầu tư của hãng vào công nghệ điện phân sẽ mang quy mô lớn nhất ở châu Âu, theo đó sẽ xây dựng các nhà máy ở Na Uy, Đức và Bỉ trong thập kỷ tới. Kế hoạch đầu tư cũng sẽ được triển khai tại Anh và Pháp. Tập đoàn dầu khí BP cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh lớn nhất tại Anh vào năm 2030.

Trong khi đó, Chính phủ Đức đã công bố quỹ chín tỷ euro để phát triển hydro xanh với mục tiêu chấm dứt sử dụng than đá vào năm 2038. Trong nỗ lực dần loại bỏ động cơ diesel khi Đức hướng tới một tương lai có thể trung hòa khí thải CO2, Công ty Đường sắt Đức cho biết sẽ sớm chạy thử nghiệm một đoàn tàu chạy bằng năng lượng hydro xanh vào năm 2024 ở bang Baden-Württemberg. Trước đó, Công ty Đường sắt Alstom của Pháp đã cho ra mắt chuyến tàu chạy bằng năng lượng hydro đầu tiên trên thế giới ở bang Niedersachen của Đức.