Cùng nhau vượt qua khủng hoảng năng lượng
Hội nghị thượng đỉnh Biển Bắc lần đầu được tổ chức tại Đan Mạch năm 2022, với sự tham gia của Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Đức, nhằm thành lập một liên minh mới về năng lượng gió. Ngoài bốn quốc gia sáng lập, Hội nghị lần thứ hai năm nay có sự tham gia của năm đối tác gồm Na Uy, Anh, Ireland, Pháp và Luxembourg. Hội nghị đặt mục tiêu tập hợp nỗ lực của các quốc gia ven Biển Bắc, gồm cả vùng biển Celtic và biển Ireland, nhằm khai thác triệt để tiềm năng về năng lượng và công nghiệp của các nước, biến khu vực trở thành “nhà máy điện lớn nhất châu Âu” vào năm 2050.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu vừa trải qua thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng, bắt nguồn từ cuộc xung đột tại Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) và các nước trong khu vực nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhằm bù đắp sự thiếu hụt nhiên liệu nhập khẩu từ Nga.
Tại họp báo sau Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, các nước thành viên EU đã cùng nhau vượt qua khủng hoảng năng lượng, thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Để làm được điều này, EU đã thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung bằng bằng cách dần chuyển hướng tới các đối tác đáng tin cậy. Theo lãnh đạo EC, người dân EU đã giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng. Song, điều quan trọng hơn là EU đã đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước Biển Bắc và đối tác khẳng định tiếp tục hợp tác nhằm thúc đẩy an ninh và độc lập về năng lượng của châu Âu. Các nước nhất trí tăng cường đầu tư cho sản xuất năng lượng gió, nhất là các turbine gió ngoài khơi.
Tham vọng tăng sản lượng điện gió
Mục tiêu chung của các nước Biển Bắc và đối tác là tăng sản lượng điện gió ngoài khơi từ mức 30GW hiện nay lên 120GW vào năm 2030 và nâng lên ít nhất 300GW vào giữa thế kỷ này. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận các cách thức để tăng tốc sản xuất phong điện và tiêu chuẩn hóa thiết bị để xây dựng các trang trại gió ngoài khơi một cách nhanh chóng và chi phí tối ưu.
Tuy nhiên, thách thức để đạt mục tiêu nêu trên là không ít. Theo Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, ngoài trang trại gió, còn cần cơ sở hạ tầng kết nối, chuỗi công nghiệp, dự án hydro xanh… Ngoài tinh thần quan hệ đối tác, chín quốc gia tham gia còn cần điều phối chính sách quốc gia, kêu gọi đấu thầu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng dây chuyền sản xuất… Trên thực tế, công suất của các turbine gió ngoài khơi hiện nay chỉ là 7GW mỗi năm. Để đạt mục tiêu, các nước cần tăng công suất lên 20GW.
Trong khi đó, các thành viên liên minh năng lượng mới này lại có mức độ phát triển điện gió ngoài khơi không đồng đều. Công suất phong điện của Anh là 14GW, Đức là 8GW, Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan từ 2GW đến 3GW, Pháp và Na Uy chỉ khoảng 0,5 GW.
Theo WindEurope, liên đoàn đại diện ngành năng lượng gió của châu Âu, mục tiêu mà Hội nghị thượng đỉnh Biển Bắc lần thứ 2 đặt ra là khả thi. Song liên đoàn này lưu ý một số điểm cần khắc phục, như cơ chế tài trợ và tuyển dụng lao động. Chính sách năng lượng hiện nay của EU đang tập trung nhiều vào đột phá công nghệ, thay vì hướng tới mở rộng chuỗi cung ứng, trong khi một số biện pháp, như áp giá trần, có thể cản trở đầu tư.
EU đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi tỷ lệ năng lượng tái tạo lên mức 42,5% trong cơ cấu năng lượng của khu vực. Với dự án mới về phong điện, EU ước tính sẽ cần khoản đầu tư 800 tỷ euro (900 tỷ USD) để đạt mục tiêu sản lượng điện gió ngoài khơi 300GW vào năm 2050.