Châu Á với bài toán sử dụng năng lượng tái tạo

Đợt nắng nóng kỷ lục hoành hành nhiều nước châu Á hiện nay đang đặt ra thử thách cho khả năng cung cấp và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để bảo đảm nguồn cung dự phòng, nâng cấp hệ thống truyền tải, nâng cao độ tin cậy của mạng lưới điện và thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nơi tại Ấn Độ nhiệt độ đã vượt ngưỡng 40oC. Ảnh: CNN
Nhiều nơi tại Ấn Độ nhiệt độ đã vượt ngưỡng 40oC. Ảnh: CNN

AP ngày 28/3 cho hay, nhiệt độ ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh đã vượt quá 40oC ngay từ cuối tháng 4 vừa qua. Đây là hình thái thời tiết nắng nóng xuất hiện sớm hơn so mọi năm. Tình hình này gây ra tình trạng thiếu điện và thiệt hại trên diện rộng đối với cơ sở hạ tầng cung cấp điện ở một số nước trong khu vực.

Trung Quốc và Ấn Độ đang tính tới việc phải duy trì khả năng sẵn sàng hoạt động của các nhà máy điện sử dụng than và sử dụng khí đốt tự nhiên để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ và ứng phó trong trường hợp nhu cầu gia tăng đột biến khi nắng nóng đến sớm. Tuy nhiên, các quốc gia châu Á vẫn phải đối mặt bài toán chuyển đổi sang năng lượng xanh để chống biến đổi khí hậu.

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế, công suất năng lượng xanh ở khu vực châu Á đã tăng 12% trong năm 2022, mức tăng nhanh nhất trong số những khu vực chính trên thế giới. Dự báo tỷ lệ năng lượng tái tạo (gió và mặt trời), bao gồm cả thủy điện trong tổng công suất năng lượng xanh của châu Á sẽ tăng lên 28% trong năm 2023, tức tăng gấp đôi so mức của năm 2011.