Chật vật nơi lũ rút chậm

Nhiều ngày qua, hàng trăm hộ dân sinh sống tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phải sống trong cảnh ngập lụt. Nước lũ chậm rút khiến cuộc sống người dân đảo lộn, tài sản, hoa màu mất trắng…
0:00 / 0:00
0:00
Ngập lụt nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng trăm hộ dân xã Nam Phương Tiến.
Ngập lụt nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng trăm hộ dân xã Nam Phương Tiến.

Khó khổ trăm bề

Khái niệm “sống chung với lũ” vốn chỉ được dùng cho Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền trung, giờ lại được áp dụng với người dân Thủ đô. Có mặt tại xã Nam Phương Tiến, một trong những điểm ngập nặng nhất của huyện Chương Mỹ có thể phần nào cảm nhận cuộc sống khổ cực trăm bề của hàng nghìn người dân nơi đây.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nam Phương Tiến, ông Nguyễn Tất Viện (72 tuổi) không nhớ mình đã có bao nhiêu lần chạy lụt. Năm nào cũng vậy, những trận lụt không lớn thì bé vẫn thường xảy ra như “cơm bữa” ở quê ông. Cũng chính bởi quá quen với cảnh đó nên không chỉ ông mà những người dân nơi đây đã tạo cho mình những kỹ năng cần phải có để “sống chung với lũ”. Đến mùa mưa bão, nhà nào nhà nấy luôn chuẩn bị tinh thần kích kê đồ đạc để nếu chẳng may lũ lụt sẽ không bị thiệt hại nặng nề về tài sản.

Chẳng thế mà trận lụt năm 2018, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên đàn lợn hơn chục con được ông chuyển lên tầng gác mái của căn nhà. Thế nhưng, dù không mất tài sản song cảnh người ngủ ở trên, lợn nằm ở dưới kéo dài cả tháng trời cũng khiến ông và cả gia đình bức bí.

Bà Nguyễn Thị Hiên (71 tuổi), vợ ông Viện chia sẻ, năm nay nước lên nhanh, nước bắt đầu dâng cao từ hôm 23/7 đến nay nên đàn gà 300 con gia đình nuôi cũng chết dần chết mòn hơn một nửa. Mỗi lần nhìn gà chết phải đắp đống một góc là vợ chồng bà lại nhói lòng. “Gà chết, hoa màu mất trắng, mỗi lần nghĩ đến là tôi thấy buốt ruột. Nước ngập sâu dâng cao hết cả khu bếp khiến cả tuần nay nhà tôi đều phải ăn mì tôm…”, bà Nguyễn Thị Hiên cho biết.

Chung cảnh khổ sở vì ngập, chị Nguyễn Thị Bút, trú tại xóm Chùa, thôn Nam Hài cho biết, trong khu vực thì xóm chị bị ngập nặng nhất. Nước dù rút bớt đi nhiều nhưng vẫn ở mức cao. Chị Bút chia sẻ, gia đình chị cấy gần một mẫu rưỡi lúa nhưng do nước dâng cao suốt nhiều ngày nên giờ lúa bị thối rễ. Kinh tế chủ yếu trông vào cây lúa, nay lúa hỏng hết cả, nhà lại có ba mẹ con nương náu vào nhau, hai con lại bị khuyết tật, tương lai cả gia đình sẽ không biết sẽ phải xoay xở ra sao.

Ổn định cuộc sống ngay khi nước rút

Chia sẻ về những thiệt hại ước tính ban đầu do nước lũ dâng cao tại địa phương, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Phương Tiến cho biết, hiện xã đã có thống kê bước đầu những thiệt hại, trong đó thiệt hại về hoa màu là rất đáng lo ngại. Cụ thể, hiện vẫn có 798 hộ bị cô lập. Diện tích lúa trên địa bàn bị ngập là 70 ha, ngoài ra còn có 10 ha rau màu các loại, 6 ha cây ăn quả và 135 ha thủy sản cũng chìm trong biển nước. Số lượng gia súc phải di chuyển là 1.567 con… hơn 20 nghìn gia cầm bị chết vì lũ.

Theo ông Mạnh, với công tác khắc phục, trước mắt địa phương sẽ hỗ trợ những nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con, nỗ lực cao nhất để bảo đảm đời sống các hộ dân trong vùng ngập. Công tác chăn nuôi thời gian tới sẽ tiếp tục được rà soát lại thiệt hại. Sau khi nước rút địa phương sẽ vận động nhân dân tổ chức lại sản xuất.

Thông tin thêm về phương hướng khắc phục tình trạng trong và sau khi úng ngập, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết: “Hiện mực nước đã giảm nhưng dự kiến khoảng 30 - 40 ngày mới rút hết. Bởi vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp các nhu yếu phẩm tới người dân. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề vệ sinh môi trường, bởi vậy sẽ thực hiện theo phương châm nước rút đến đâu sẽ thông báo, tuyên truyền và triển khai dọn dẹp tới người dân đến đó để phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường”.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ thông tin: Với tinh thần nước rút đến đâu sẽ ổn định đời sống bà con nhân dân đến đó, huyện đang phối hợp các lực lượng như quân đội, công an, dân quân tự vệ, chính quyền các địa phương, các đoàn thể… dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát thuốc cho bà con nhân dân, hỗ trợ bà con trong việc kê dọn nhà cửa.