Chặng đường mới của Twitter

Theo CNN, mới đây, tỷ phú Elon Musk đã hoàn tất thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD để mua lại Twitter. Thỏa thuận giúp người giàu nhất thế giới chính thức tiếp quản một trong những nền tảng mạng xã hội có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở của Twitter tại San Francisco. Ảnh: COSTAR
Trụ sở của Twitter tại San Francisco. Ảnh: COSTAR

Theo Reuters, thương vụ tỷ phú Elon Musk thâu tóm mạng xã hội Twitter được cho là đã chính thức hoàn tất ngày 27/10 vừa qua. Theo quy định trước đó, ông Musk phải hoàn tất thương vụ mua Twitter trước ngày 28/10, nếu không sẽ phải hầu tòa với các cáo buộc làm ảnh hưởng quyền lợi các nhà đầu tư vì không rõ ràng trong quyết định mua lại nền tảng mạng xã hội này. Trên trang Twitter cá nhân, ông Elon Musk đã đổi phần mô tả bản thân thành “Lãnh đạo Twitter”.

Ngay sau khi thông tin bị rò rỉ, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Twitter Parag Agrawal và Giám đốc tài chính (CFO) Ned Segal đã rời khỏi trụ sở Twitter ở thành phố San Francisco (Mỹ). Hiện, chưa biết hai lãnh đạo tự động từ chức hay bị ông Elon Musk sa thải. Ông Parag Agrawal nắm vai trò CEO Twitter từ tháng 11/2021, sau khi người đồng sáng lập Jack Dorsey bất ngờ từ chức. Trước đó, ông đã làm việc tại Twitter trong gần một thập kỷ. Các tin nhắn bị rò rỉ giữa ông Musk và ông Agrawal thời gian gần đây cho thấy cả hai có nhiều xung đột. Do vậy, việc CEO này rời nhiệm sở khi Twitter về tay tỷ phú Musk là điều được dự đoán trước. Các thỏa thuận hợp đồng buộc Twitter phải trả cho CEO này số tiền khoảng 42 triệu USD khi ông rời đi. Ngoài hai lãnh đạo nói trên, Giám đốc chính sách người dùng của Twitter Vijaya Gadde và Cố vấn chung Sean Edgett cũng đã bị ông chủ mới cho nghỉ việc.

Hiện, phía Twitter vẫn từ chối bình luận về sự kiện quan trọng này. Trong khi đó, công chúng đang đặt câu hỏi về các gương mặt thay thế đội ngũ lãnh đạo cũng như tương lai của mạng xã hội có tầm ảnh hưởng này sau khi ông Musk chính thức tiếp quản. Hơn 7.500 nhân viên của Twitter cũng bày tỏ lo lắng khi trước đó, ông Elon Musk từng tuyên bố sẽ cắt giảm nhân sự khi sở hữu công ty này.

Về phía tỷ phú người Mỹ, trong bài đăng ngày 27/10, ông cho biết, không mua Twitter để kiếm nhiều tiền hơn mà “để cố gắng giúp đỡ nhân loại, những người mà tôi yêu quý”. Ông cũng tiết lộ sẽ suy nghĩ lại về chính sách nội dung của Twitter để cho phép tối đa “tự do phát biểu”. Tỷ phú này cũng không đồng ý với việc Twitter trước đây cấm vĩnh viễn những người bị cho là vi phạm quy tắc. Ông cũng có ý định đưa các thuật toán xác định nội dung được hiển thị cho người dùng một cách công khai và ngăn nền tảng này trở thành nơi chứa sự căm ghét và chia rẽ.

Tỷ phú 51 tuổi cũng cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi của các nhân viên về việc sắp có đợt sa thải lớn, đồng thời bảo đảm với các nhà quảng cáo rằng những lời chỉ trích trước đây của ông về các quy tắc kiểm duyệt nội dung của Twitter sẽ không làm tổn hại sức hấp dẫn của nó. “Twitter rõ ràng không thể trở thành một nơi có thể nói bất cứ điều gì mà không phải chịu hậu quả!”, ông cho biết. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh coi Twitter là nền tảng để tạo ra một “siêu ứng dụng” cung cấp mọi thứ, từ chuyển tiền đến mua sắm và gọi xe. Trong loạt tin nhắn mới bị tiết lộ ngày 19/10 giữa ông chủ mới của Twitter và các nhà tài trợ, ông Musk khẳng định: “Tiềm năng dài hạn của Twitter lớn hơn giá trị hiện tại của nó”.

Theo The New York Times, thương vụ tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter “dậy sóng” bắt đầu từ tháng 4 khi ông Musk thông báo đã đạt được thỏa thuận mua nền tảng mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD, tức 54,2 USD cho mỗi cổ phiếu. Nhưng đến tháng 7, ông tuyên bố rút lui với lý do mạng xã hội này vi phạm nhiều điều khoản về sáp nhập. Vào tháng trước, ông lại thay đổi quyết định, cho biết vẫn sẽ mua Twitter với giá cũ và cam kết hoàn thành thương vụ này trước hạn cuối là ngày 28/10.

Việc tỷ phú giàu nhất thế giới nắm trong tay một trong những mạng xã hội nhiều người dùng nhất nước Mỹ được xem là sẽ mở ra chặng đường phát triển mới cho Twitter, tăng sức cạnh tranh của ứng dụng này đối với các mạng xã hội khác trên nhiều lĩnh vực.