Cục Viễn thông cho hay, sau khi đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, các nhà mạng đã xác định có hơn 3,8 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp cơ sở dữ liệu này. Sau hơn một tháng chuẩn hóa thông tin thuê bao, vẫn còn hơn một triệu thuê bao đang bị khóa hai chiều. Đến ngày 15/5, nếu các thuê bao không thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi. Cùng với đó sẽ thanh tra diện rộng trên cả nước nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm thông tin thuê bao trên điện thoại. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để chống các cuộc gọi “rác” cũng như không cung cấp số điện thoại của mình trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo, điều tra xử lý các trạm BTS giả nhằm giúp giảm bớt tình trạng cuộc gọi “rác”, cuộc gọi lừa đảo hiện nay.
Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video Deepfake phần lớn liên quan đến lừa đảo tài chính. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để làm những video hoặc hình ảnh giả, sao chép ảnh chân dung tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến và sẵn sàng bỏ tiền ra mua các tài khoản ngân hàng không chính chủ với giá rẻ. Trong đó, có trường hợp xác định được, có trường hợp gặp khó khăn do một số đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới.
Để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng công nghệ để phạm tội trên không gian mạng, sắp tới Bộ Công an sẽ bàn với ngân hàng tiến hành xác thực tài khoản thanh toán. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý tiếp cận và hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức SIM điện thoại hay thanh toán tài khoản, thanh toán tiền. Theo đó, khi cơ quan điều tra ở địa phương làm văn bản đề nghị xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có cơ chế phối hợp Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử xem chủ tài khoản đó là ai để xử lý.
Theo các chuyên gia công nghệ, nạn lừa đảo mạng sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi. Trong dự luật này quy định sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài như là các nền tảng trong nước. Bên cạnh đó, Bộ TTTT cũng sẽ ra nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng sẽ được ban hành trong cuối năm 2023 với các thay đổi quan trọng. Cụ thể, sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok...