Chấn chỉnh tình trạng thuốc giả tràn lan

Ngày 14/7, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có Công văn số 7516/QLD-CL gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thông báo hàng loạt thuốc giả nhãn mác.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin các loại dược phẩm lưu hành trên thị trường. Ảnh: HẢI ANH
Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin các loại dược phẩm lưu hành trên thị trường. Ảnh: HẢI ANH

Đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện trên thị trường có một số thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất, bao gồm các loại thuốc dạng viên nén có tên: Cefuroxim 500mg; Cefodoxim 200mg; Cefixin 200mg; Cefixim 100mg; Esomeprazol 40mg; Fluconazol 150mg mang nhãn mác do Công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4 - D - 22946 Trittau, Germany sản xuất, được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Rotex Việt Nam.

Qua rà soát, Cục Quản lý dược cho biết, không có Công ty TNHH Rotex Việt Nam có trụ sở tại Khu đô thị Hùng Vương, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cục Quản lý dược chưa cấp bất kỳ giấy đăng ký lưu hành thuốc nào cho Công ty TNHH Rotex Việt Nam và chưa cấp giấy đăng ký lưu hành cho các sản phẩm thuốc viên nén, viên nang do công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4 - D - 22946 Trittau, Germany sản xuất.

Do vậy, tất cả thuốc viên nén, viên nang nhãn mác công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4 - D - 22946 Trittau, Germany sản xuất và các thuốc do Công ty TNHH Rotex Việt Nam nhập khẩu, phân phối trên thị trường là thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất.

Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không kinh doanh, phân phối và sử dụng các thuốc viên nén, viên nang trên nhãn mác công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4 - D - 22946 Trittau, Germany sản xuất và các thuốc do Công ty TNHH Rotex Việt Nam nhập khẩu, phân phối.

Cục Quản lý dược đề nghị tăng cường việc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, tập trung việc kiểm tra đối với các sản phẩm có thông tin như mô tả nêu trên. Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối liên quan đến các sản phẩm có thông tin như mô tả nêu trên cần ngừng ngay việc phân phối, lưu hành thuốc; thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng đã mua thuốc dừng phân phối, sử dụng và trả về cơ sở cung ứng…

Có thể nói, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc ngày nay được sản xuất một cách tinh vi. Chính vì vậy, việc phát hiện và thu hồi trên thị trường nhằm bảo đảm thuốc được cung ứng đến tay người dân có chất lượng, an toàn và hiệu quả trong phòng bệnh và chữa bệnh là điều vô cùng cấp thiết. Nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thuốc trên thị trường phân phối thuốc hiện nay luôn là thách thức đối với toàn hệ thống y tế, các công ty dược phẩm và các nhà thuốc trên toàn quốc. Việc phân biệt sản phẩm chính hãng đạt yêu cầu của cơ quan, ban, ngành nhà nước có thẩm quyền quyết định đòi hỏi kiểm định và rà soát nghiêm ngặt các thông tin như: nhãn hộp, nhãn lọ, hình ảnh logo thuốc, quy cách, giấy phép đăng ký lưu hành, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng và thông tin nhà sản xuất.

Không thể phủ nhận với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, các nhà thuốc truyền thống có thể kết nối trực tuyến với các nhà sản xuất và nhà cung cấp dược phẩm mọi lúc mọi nơi. Trong những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi dần giữa mô hình bán thuốc truyền thống sang mô hình bán trực tuyến (eB2B). Chính vì thế, việc bảo đảm chất lượng đầu vào của nguồn gốc dược phẩm còn nhiều bất cập và luôn là những thách thức cho các đơn vị này. Cụ thể, gần đây nhất là sàn thương mại điện tử thuocsi.vn đã phải thu hồi và tiêu hủy 168 đơn vị sản phẩm bị nghi ngờ không rõ nguồn gốc.

“Mua bán dược phẩm trực tuyến hay trực tiếp đều cần có những giải pháp theo dõi và ngăn chặn thuốc giả kịp thời. Thứ nhất, các doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ theo chỉ đạo của các cơ quan, ban, ngành để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và triệt để, đồng thời chấp nhận xử lý hành chính nếu có vi phạm. Thứ hai, các nhà phân phối luôn phải rà soát hoạt động vận hành nhằm đẩy mạnh khâu sàng lọc, loại bỏ các sản phẩm thiếu giấy tờ, không có hóa đơn. Thứ ba, làm việc trực tiếp với các hãng dược chính hãng và uy tín để bảo đảm nguồn hàng minh bạch và chất lượng”, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm cho hay.

Chấn chỉnh tình trạng thuốc giả tràn lan ảnh 1

Người mua thuốc cần kiểm tra kỹ thông tin.

Chế tài cần nghiêm khắc

Luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả thông thường cũng đã là hành vi trái pháp luật, vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng khi đối tượng hàng hóa bị làm giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh thì nó lại là một vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều vì thuốc sẽ được sử dụng trực tiếp bằng cách uống, bôi hoặc đưa vào cơ thể bằng tiêm, truyền. Có những loại thuốc làm giả chỉ không chứa đúng khả năng phòng bệnh, chữa bệnh của thuốc song cũng có những loại còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người sử dụng.

Theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 6 Chương I Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm, tùy theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các chủ thể có hành vi vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Mục 2 Chương II Nghị định 98/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với mức phạt từ 2-140 triệu đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10-200 triệu đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc), mức phạt với tổ chức vi phạm là gấp hai lần.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, cá nhân phạm tội tùy theo các tình tiết định tội, định khung như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; giá trị của hàng hóa tính theo giá bán; giá trị hàng hóa tính theo giá trị của hàng thật; tỷ lệ thương tật gây ra cho người khác nếu có; có gây ra chết người hay không... mà có thể phải đối mặt mức án từ 2-20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình. Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1-20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn.

Bất kể đó là loại thuốc bình thường hay thuốc đặc trị, đều có chung một đích cuối cùng là giúp bảo vệ, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh cho người dân. Tính mạng mỗi con người là vô cùng quý giá. “Do đó, các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, hành vi vi phạm phải xử lý triệt để thông qua chế tài nghiêm khắc nhằm tạo tính răn đe”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến chống thuốc giả và hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ là cuộc chiến không của riêng ai. Người sử dụng cần chủ động kiểm tra thông tin thuốc cũng như những sản phẩm có giá thấp bất thường. Các doanh nghiệp trong ngành phân phối dược phải có trách nhiệm thường xuyên cập nhật về các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt giữa sản phẩm chính hãng và sản phẩm nghi ngờ không rõ nguồn gốc, tăng cường phối hợp theo chỉ đạo của các cơ quan, ban, ngành nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, việc liên kết với các nhà sản xuất dược phẩm chính hãng và uy tín phải được phát triển mạnh mẽ để bảo đảm người dân được tiếp cận kịp thời với nguồn thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, chi phí hợp lý, góp phần phát triển bền vững cho ngành dược Việt Nam.