Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời

Những năm qua, bất cập trong việc quảng cáo ngoài trời đã được đề cập, nhưng những tác hại do quảng cáo vi phạm gây ra với đời sống đô thị vẫn chưa có thống kê rõ ràng. Phần lớn chỉ được nhắc nhở hoặc xử phạt qua loa mà chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.
Hoạt động quảng cáo ngoài trời vẫn còn nhiều bất cập.
Hoạt động quảng cáo ngoài trời vẫn còn nhiều bất cập.

1/Ngày 8/5, Phòng Văn hóa và Thông tin (VH-TT) quận Đống Đa (Hà Nội) phối hợp tổ công tác liên ngành xử lý, tháo dỡ hàng loạt bảng, biển quảng cáo vi phạm trên địa bàn. Bà Đặng Thị Mai, Trưởng phòng VH-TT quận cho biết, trên địa bàn hiện có hai biển tuyên truyền chính trị kết hợp quảng cáo thương mại do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì thực hiện theo phương thức xã hội hóa; bốn biển quảng cáo tấm lớn một cột theo quy hoạch của thành phố; hai bảng quảng cáo kết hợp tuyên truyền chính trị do doanh nghiệp lắp dựng và vận hành; 10 màn hình LED tuyên truyền chính trị kết hợp quảng cáo thương mại và 74 bảng quảng cáo. Từ ngày 8 đến 19/5, các lực lượng chức năng quận sẽ xử lý các biển hiệu, biển quảng cáo vi phạm, kích thước lớn che kín mặt tiền nhà, che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa, biển dọc, biển vẫy, băng-rôn, phướn sai phạm tại các tuyến phố gồm Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở, Đại Cồ Việt-Xã Đàn-Lê Duẩn. Các vi phạm sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Vi phạm về quảng cáo ngoài trời vẫn là thực trạng khá nhức nhối. Tại một số tuyến phố, vẫn còn cảnh treo, lắp dựng quảng cáo không đúng quy định. Các biển quảng cáo này chủ yếu được lắp đặt trên các nhà dân, sai quy định về kích thước, quy mô so hình thể ngôi nhà. Nhiều tấm biển sau khi hết hợp đồng quảng cáo được tháo dỡ cẩu thả, chỉ còn trơ trọi các khung sắt đã hoen gỉ. Điều này không chỉ khiến diện mạo đô thị nhếch nhác mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho khu vực chung quanh và người tham gia giao thông.

Thực trạng các biển quảng cáo ngoài trời là vậy, nhưng có thể thấy việc xử lý vi phạm còn nhiều bất cập. Nhất là khi các đối tượng vi phạm thường treo, lắp đặt vào buổi đêm khiến việc phát hiện, xử lý vi phạm càng nan giải. Thế nên, dù Luật Quảng cáo ra đời đã lâu, nhưng những vi phạm được quy định tại Điều 8, khoản 4: “Quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội” vẫn rất phổ biến.

2/Trong khi các cơ quan chức năng còn đang loay hoay với quy hoạch quảng cáo ngoài trời thì công nghệ quảng cáo đã phát triển vượt bậc. Từ quảng cáo truyền thống trên pa-nô đã chuyển sang hệ thống đèn chiếu, bảng điện tử… rất bắt mắt để thu hút người đi đường. Với sự hỗ trợ của công nghệ, không ít doanh nghiệp đã áp dụng quảng cáo trên các màn hình LED, LCD khổ lớn cả bên trong lẫn bên ngoài các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh… bằng hiệu ứng hình ảnh sinh động, nổi trội.

Theo quy định quảng cáo, các loại hình này phải sử dụng thẻ nhớ offline, không kết nối internet và không sử dụng âm thanh. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sử dụng lại kết nối internet, do vậy việc kiểm soát về nội dung phát hành và vấn đề an ninh thông tin đối với hình thức quảng cáo này chưa được quản lý rõ ràng. Do đó, rất cần các nhà chuyên môn để có thể theo kịp sự phát triển muôn hình vạn trạng của ngành nghề đặc thù này.

Vấn đề đáng bàn nữa là nhiều đơn vị bất chấp quy định để quảng cáo sai phép. Các chuyên gia đô thị cho rằng, đó là do sự xung đột chồng chéo giữa các luật khiến việc quản lý cấp phép quảng cáo ngoài trời gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số địa phương muốn ban hành quy chế quảng cáo hay thực hiện quy hoạch quảng cáo đều vướng quy định chồng chéo giữa các luật hay nghị định hướng dẫn. Chưa kể, hầu hết các vị trí quy hoạch quảng cáo ngoài trời đều nằm trên đất công. Chính vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo theo hướng quy định cụ thể về thời gian thực hiện quảng cáo đối với phương tiện bảng quảng cáo, quy trình cấp phép xây dựng sản phẩm quảng cáo trong Luật Quảng cáo và một số vướng mắc liên quan lĩnh vực giao thông đường bộ, xây dựng, đấu thầu; hướng dẫn công tác quản lý đối với bảng quảng cáo trên màn hình điện tử, tránh để xảy ra vi phạm mới khắc phục hậu quả.

Luật sư Lê Vĩnh Thụy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Quốc hội nên giao Chính phủ chủ trì nghiên cứu, ban hành nghị định về thu phí quảng cáo ngoài trời để tránh thất thoát một nguồn ngân sách lớn. Việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội cần phù hợp nhu cầu và cảnh quan thẩm mỹ, bảo đảm không ảnh hưởng giao thông, đời sống, sinh hoạt thường ngày của người dân. Do đó, cần có sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành của Hà Nội. Đây là trách nhiệm đã được quy định cụ thể trong Luật Quảng cáo.

Luật Giao thông đường bộ cho phép lắp đặt tạm thời các bảng quảng cáo trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, tuy nhiên Thông tư 04/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng lại không cho phép. Có thể thấy, những bất cập, xung đột giữa Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu thầu… hiện đang gây nhiều khó khăn cho việc cấp phép và quản lý quảng cáo ngoài trời.