Chăm sóc trẻ mắc thủy đậu

Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm thường xuất hiện dịch bệnh thủy đậu ở trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00

Đây là bệnh truyền nhiễm lành tính, tuy nhiên rất dễ gây nhiễm trùng da, có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não... nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Vì vậy, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo:

- Khi trẻ có triệu chứng sốt, phát ban phỏng nước, gia đình nên cách ly con không tiếp xúc với mọi người chung quanh để tránh lây nhiễm, giữ phòng ngủ thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời. Nếu trẻ sốt trên 38º5, cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/lần, kết hợp chườm ấm (không quá ấm nóng).

- Nếu con có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

- Vệ sinh mắt mũi, răng miệng nhẹ nhàng từ 2-3 lần/ngày bằng nước muối 0,9%. Tắm bằng nước ấm đun sôi để nguội (hạn chế dùng xà-phòng tránh gây viêm nhiễm khi xà-phòng đọng lại ở các nốt bong tróc), sau đó dùng khăn xô hoặc khăn loại chất coton dễ thấm, mặc quần áo thoáng mát.

- Thường xuyên cắt móng tay cho con để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt gây nhiễm trùng.

- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Nếu trẻ đau miệng có thể cho ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, uống sữa, ăn cháo.