1/Xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) là địa phương phát triển nghề nuôi bò vỗ béo đầu tiên ở Bình Định. Người dân Nhơn Lộc thường đi khắp các vùng quê trong tỉnh mua những con bò èo uột, gầy trơ xương về “tẩm bổ” cho đến khi chúng “đỏ da thắm thịt” thì bán. Do được chăm sóc cẩn thận, ăn ngủ đủ đầy nên mấy con bò từ “da bọc xương” chuyển sang “béo ục ịch”. Cứ như vậy, sau mấy tháng là mỗi con bò có thể mang lại cho người nuôi lãi cả chục triệu đồng.
Đầu năm nay, chị Lê Thị Sương, thôn Đông Lâm (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) mua ba con bò cái gầy với giá 37 triệu đồng (bò cái giá thấp hơn bò đực). Sau hơn hai tháng, ba con bò đã có da có thịt nên chị kêu thương lái đến bán được 57 triệu đồng, lãi 20 triệu đồng. Chị Sương nhẩm tính, phí thức ăn suốt mấy tháng nuôi chỉ chừng 5-7 triệu đồng, nên vẫn thu về được 13-15 triệu đồng. “Tuy không nhiều lắm nhưng khoản tiền này là không nhỏ đối với người dân nông thôn. Nuôi thêm mấy con heo, đàn gà và làm mấy sào ruộng nữa là gia đình có cuộc sống ổn định”, chị chia sẻ.
Mặc dù hiện nay thị trường bò thịt đang bị mất giá, nhưng khi mua con bò gầy về vỗ béo thì giá cũng giảm tương đương theo từng đó. “Tôi mua về nuôi cho con bò mập lên, khi bán nếu bò thịt vẫn còn giá cũ thì người nuôi có lãi. Và nếu lúc ấy bò thịt tăng giá thì người nuôi càng lãi to”, chị Sương cho biết.
Nghề nuôi bò vỗ béo ở xã Nhơn Lộc cho thu nhập cao, ổn định đã nhanh chóng lan rộng khắp các địa phương trong tỉnh Bình Định. Thời gian gần đây, nhiều hộ chăn nuôi có đất trồng cỏ ở Bình Định mua bò đực giống BBB (Blanc Blue Belge) về nuôi vỗ béo. Bò BBB xương cốt to, chăm sóc đúng quy trình nhanh tăng trọng, sau gần một năm vỗ béo, bò cái BBB đạt trọng lượng 400-500 kg/con, bò đực đạt 500 kg/con trở lên.
Theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, hiện nay, các loài vật nuôi đều đang có giá thấp hơn so trước đây và theo quy luật thị trường, bò thịt cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh bò thịt hạ giá, người nuôi bò vỗ béo chỉ cho bò ăn bổ sung thức ăn tinh chứ không phải cho ăn nhiều như heo, gà nên có thể cầm cự chờ giá. Có điều, mùa mưa bão đang đến gần nên người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hằng ngày và tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão.
2/Những tháng cuối năm, các tỉnh miền trung, trong đó có Bình Định thường xuyên phải hứng chịu những đợt mưa bão kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất chăn nuôi của người dân. Điều đáng nói, thời tiết mưa, bão không những gây khan hiếm nguồn thức ăn mà còn dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Bình Định Huỳnh Ngọc Diệp chia sẻ, tổng đàn vật nuôi tăng là nhờ công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi ở Bình Định đạt hiệu quả cao nên kiểm soát được dịch bệnh.
Nhờ tiêm phòng cho đàn vật nuôi hiệu quả nên các bệnh dịch nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò, viêm tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, thương hàn… đã được kiểm soát tốt, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, các địa phương cũng tích cực phòng, chống các yếu tố bất lợi của thời tiết để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
“Để phòng ngừa dịch bệnh vật nuôi trong mùa mưa bão, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã cử cán bộ thú y liên tục bám sát địa bàn, đồng thời phối hợp lực lượng thú y cơ sở giám sát tình hình dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi. Cùng với đó là thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển và giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đơn vị còn tích cực phối hợp chính quyền địa phương kiểm soát hoạt động giết mổ động vật tập trung, từng bước đưa hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn vào quy củ”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Bình Định thông tin.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu cung ứng sản phẩm chăn nuôi rất lớn, do vậy việc kiểm soát dịch và tái đàn là nhiệm vụ mà ngành chức năng Bình Định đang hết sức quan tâm. Do vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhất là trong mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục và cần được sự quan tâm của cộng đồng dân cư.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, tính đến hết tháng 8/2023, tổng đàn bò ở Bình Định đạt hơn 307 nghìn con, tăng 3,7% so cùng kỳ; đàn heo hơn 682.000 con (chưa kể heo con theo mẹ) tăng 2,3%; đàn gia cầm 9,7 triệu con, tăng 10,8% so cùng kỳ năm ngoái. Nhờ việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi được thực hiện cẩn trọng, dịch bệnh được kiểm soát nên người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn nhằm phục vụ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.