Chăm lo Tết cho công nhân

Tết Nguyên đán đang tới gần và đây là dịp để công nhân khu công nghiệp tăng ca kiếm thêm thu nhập, các doanh nghiệp thì tăng cường nhân lực cho các đơn hàng cuối năm. Thế nhưng năm nay, khi các doanh nghiệp phải giảm bớt nhân công vì ít đơn hàng, còn người lao động cũng vì thế canh cánh nỗi lo mất việc, giảm tăng ca, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và thưởng Tết.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tìm kiếm việc làm tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: NAM ANH
Người lao động tìm kiếm việc làm tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: NAM ANH

Thu nhập đi xuống, chi phí vẫn đi lên

Tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), nơi được coi là một trong những trung tâm thuê trọ của người lao động, công nhân khu công nghiệp ở Hà Nội, bầu không khí những ngày cuối năm ảm đạm cả đối với những người chủ thuê trọ lẫn người đi thuê, hay các dịch vụ hàng quán ăn theo. Theo chị Hứa Thùy Dương (39 tuổi), chủ một khu nhà trọ cho công nhân thuê ở thôn Bầu, nhà chị có 8 phòng nhưng hiện tại đã không còn công nhân thuê, chỉ còn sinh viên hoặc nhân viên văn phòng. “Vì nhà mới xây nên giá thuê phòng là 1 triệu đồng/tháng, cao hơn chút so mặt bằng chung ở đây. Tuy vậy, sau đầu năm nay vẫn có nhiều công nhân thuê chỗ tôi. Đến giờ do doanh nghiệp ít việc, cắt giảm nhân công thành ra thu nhập của công nhân ảnh hưởng đáng kể, họ phải tìm chỗ ở rẻ hơn, giảm bớt chi phí trong khi tìm chỗ làm mới. Một số người kém may mắn hơn còn bị mất việc, phải về quê ăn Tết sớm”, chị Dương cho biết.

Những khu nhà trọ khác rẻ hơn nhà chị Dương có giá vào khoảng trên dưới 600 nghìn đồng/tháng nhưng diện tích, điều kiện hạ tầng cũ kỹ, chật hẹp hơn nhiều. Tuy nhiên, nhiều gia đình công nhân 3-4 người cũng phải chấp nhận ở trong điều kiện như vậy để cắt giảm chi phí. “Các khoản chi cố định như tiền học cho con, tiền điện nước thì bắt buộc tháng nào cũng như vậy. Nhưng nhiều khoản có thể chắt bóp được như tiền ăn, tiền mua quần áo ấm, tiền nhà, tiền xăng xe, điện thoại… thì bắt buộc phải giảm. Giờ giá cả mọi thứ tăng nhanh quá, cầm 100 nghìn đồng đi ra chợ mua đồ ăn sáng cho gia đình bốn người còn không đủ. Nếu cứ tiếp tục như vậy từ giờ tới Tết thì vợ chồng tôi sẽ phải xin nghỉ việc, về quê ăn Tết sớm rồi ra Giêng tính tiếp”, chị Bùi Thị Vân (32 tuổi) công nhân Công ty TNHH linh kiện điện tử SEI (Nhật Bản) bày tỏ.

Mong tăng ca, chờ thưởng Tết

Có lẽ khi mức thưởng Tết không thay đổi nhiều so mọi năm với hệ số 1.5, tương đương một tháng rưỡi tiền lương, thì đa số công nhân tại các khu công nghiệp đều phải tăng ca để tăng thu nhập trong những ngày cận Tết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang bị cắt giảm đơn hàng, ít việc nên chuyện tăng ca, tăng kíp đang trở thành mong muốn khó thực hiện hơn bao giờ hết. Chuyện ít được tăng ca, nguy cơ đối mặt một cái Tết eo hẹp chưa từng có, đã gây ra những phản ứng khác nhau giữa công nhân lâu năm và người mới vào làm. Đối với các công nhân thâm niên, họ có lợi thế là mức lương tốt hơn những người mới vào làm, cụ thể thu nhập khoảng từ 10-15 triệu đồng/tháng sau khi tăng ca. Bởi vậy, dù bối cảnh kinh doanh không mấy khả quan của các doanh nghiệp xảy ra, những công nhân lâu năm vẫn không đánh đổi thâm niên để “nhảy việc”, chấp nhận chắt bóp cho qua giai đoạn khó khăn.

Trong khi đó, với những người mới vào làm, mức lương chưa thật sự hấp dẫn thì chuyện “nhảy việc” diễn ra khá thường xuyên, như một cách đối phó linh hoạt trong giai đoạn này. Cụ thể, như chia sẻ của anh Lê Quang Hưởng (25 tuổi), công nhân Vinfast tại Hải Phòng cho hay: “Trước tôi có thâm niên nhiều năm làm ở Công ty Vinatic thuộc khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Nhưng mới cách đây khoảng nửa năm do doanh nghiệp ít việc nên đã cắt giảm biên chế. Mặc dù vậy, với kinh nghiệm làm mảng kỹ thuật và công nghệ, tôi xin vào làm ở bộ phận kho và sơn xe của Công ty Vinfast được ba tháng. May mắn là trong giai đoạn này, công ty rất đều việc và tăng ca tương đối ổn định ở mức lương tốt hơn, khoảng 10 triệu đồng với người mới. Một điều nữa khiến tôi quyết định gắn bó với công ty này lâu dài hơn là bởi sau khi quan sát, tôi thấy những công nhân lâu năm ở đây lương có thể lên tới 15 triệu đồng, cùng với các khoản thưởng và đãi ngộ cũng tốt hơn”.

Bên cạnh những công ty gặp khó khăn và cắt giảm công nhân, vẫn có nhiều doanh nghiệp đang gồng mình, nỗ lực giữ chân người lao động. Một số doanh nghiệp buộc phải giảm lương, nhưng vẫn trích quỹ dự phòng ra trả lương cho người lao động, thậm chí duy trì thưởng Tết chứ nhất định không cắt giảm nhân sự, như trường hợp của Công ty TNHH Trường Thịnh (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) hay Công ty giày Hồng Bảo (Việt Hùng, Đông Anh). “Mặc dù việc sản xuất sản phẩm dệt may đang gặp nhiều khó khăn do giảm đơn hàng, nhưng họ vẫn bảo đảm thu nhập, tiền thưởng nhằm giữ lại các công nhân lành nghề, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Nguyễn Duy Trường, Giám đốc Công ty Trường Thịnh khẳng định.