Cây thị già làng Triêm Tây

Chiều nay ngẫu hứng, tôi rẽ trái qua con đường nhỏ thân quen vào làng. Ngay trước mắt là cây thị cao to, sừng sững tồn tại qua bao mưa nắng thời gian. Bỗng ký ức xưa lại ùa về bao trùm hết mọi suy nghĩ trong tôi giờ tan tầm.
0:00 / 0:00
0:00

Làng Triêm Tây giờ thay da đổi thịt nhờ cây cầu bê-tông mới xây. Cái nghèo gần như đã lùi xa. Những khu du lịch sinh thái nổi lên thu hút rất nhiều du khách ghé thăm. Do vị trí nằm gần Hội An, chỉ cách vài phút đạp xe qua cầu, nên thuận tiện cho khách du lịch. Nhiều người xứ khác đến sống tại làng đông hơn trước. Mọi thứ đều thay đổi, duy nhất cây thị của làng vẫn tồn tại như chưa hề xảy ra những biến động.

Nhớ lần dì Tám đem vào tặng mẹ mấy quả thị chín vàng. Mẹ lau sạch từng trái rồi bỏ trên chiếc đĩa đặt lên bàn thờ. Hương thị thơm nức gợi nhớ về miền tuổi thơ xa lắc. Khi chị Hai đỗ đại học tận trong nam, mẹ vừa mừng, vừa lo. Ngày chị khăn gói vào nhập học, trong ba-lô đầy ắp đồ đạc, mẹ còn bỏ vào vài trái thị cho thơm tho quần áo.

Học xong, chị Hai lập nghiệp luôn trong ấy. Mẹ thường xuyên gửi thức ăn, sản vật ở quê vào cho con gái. Những món đồ vườn chắt chiu từ bàn tay mẹ, gói ghém trọn yêu thương. Tôi hay lăng xăng phụ mẹ gói gà, vịt, cá, rau. Mẹ còn bảo tôi bỏ thêm mấy trái từ cây thị già và duy nhất của làng. Tôi cẩn thận bọc từng quả thị nhỏ trong giấy báo, để lộ cái cuống nho nhỏ ra bên ngoài cho xinh. Từng vật phẩm mang vào chất chứa theo tấm lòng của mẹ và em gái đến người thương nơi đất khách. “Mỗi khi nhận những thùng xốp từ quê gửi vào, cảm giác của chị sung sướng, mừng rỡ và một nỗi nhớ nhà ghê gớm xen lẫn”, chị Hai nói trong dịp về quê ăn Tết.

Rồi tôi lại nhớ, lũ trẻ con vùng quê nghèo, cùng chiếc xe đạp cà tàng rủ nhau đạp loanh quanh trong làng những buổi chiều tan học. Mấy đứa nam tinh nghịch rủ nhau hái thị về ngửi. Đứa kiếm nhánh tre dài, đứa nối thêm cây vào cho vừa tầm. Khi hái xuống chia nhau không đều nên cả đám cũng chí chóe cả buổi, “sao trái của mình nhỏ vậy. Trái kia to hơn…”.

Nhà hàng xóm có chồng đi làm xa, một mình người vợ ở nhà vừa cày cấy, vừa chăm sóc cho ba đứa nhỏ. Mẹ con tôi thường giúp đỡ cô khi có thể. Một hôm, cô nhờ tôi hái ít lá thị về bó chân cho con. Bài thuốc dân gian mà hay, giã nhuyễn bó vào chân qua một đêm, cái mụn cứng đầu cứng cổ kia đã xẹp hẳn.

Xứ sở nhiệt đới thời tiết nắng nóng nhưng bù lại cây trái sum suê trĩu quả bốn mùa. Ở quê, nhà nào cũng cả vườn chuối, đu đủ, mãng cầu na... Thị tuy không trồng phổ biến nhưng trái của nó lại gắn với tuổi thơ của mỗi người. Chắc chắn không một đứa trẻ Việt Nam nào lại không biết đến câu chuyện cổ tích Tấm Cám với hóa thân của Tấm thành cây thị.

Gốc thị to xồ xề, thân cây vươn cao chót vót và tới mùa thì trĩu quả, đã trở thành điểm nhấn của làng. Hầu như đoàn du khách nào cũng dừng chân tại đây. Nó góp phần tô điểm cho làng Triêm Tây bên sông Thu xứ Quảng thêm sắc mầu.

Nghe mẹ bảo cây thị đã tồn tại gần 200 năm qua. Qua những dài rộng đời người, thị vẫn sống cuộc đời thanh cao, vươn mình tồn tại qua mưa bão, lũ lụt khắc nghiệt của mảnh đất miền trung.

Dưới bóng cây thị duy nhất của làng, một cảm xúc dễ chịu lan tỏa, tôi miên man trong dòng suy nghĩ. Càng trải qua thiên tai cây càng thêm vững vàng, mạnh khỏe. Tôi ước mình như cây thị già, sống cuộc đời đơn sơ, mộc mạc nhưng cũng đầy mạnh mẽ.