Theo Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng, cộng đồng NVNONN ngày càng phát triển, mở rộng về địa bàn, đa dạng về thành phần; vai trò, vị thế của bà con trong xã hội sở tại ngày càng được khẳng định và nâng cao; kiều bào tiếp tục là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước; sự kết nối, gắn kết giữa hơn 6 triệu NVNONN và 100 triệu người dân trong nước ngày càng chặt chẽ hơn. Trong bối cảnh đó, công tác NVNONN đòi hỏi tiếp tục nâng cao nhận thức cũng như huy động sự tham gia, đóng góp nhiều hơn, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương.
Cách đây 65 năm, vào ngày 23/11/1959, Ban Việt kiều Trung ương, tiền thân của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, đã được thành lập. Ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36 về công tác NVNONN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định: “Nghị quyết 36 là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện tư duy đổi mới, đột phá của Đảng ta về vai trò, tầm quan trọng của cộng đồng NVNONN vừa thấm đẫm truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc”.
Hơn hai thập kỷ thực hiện công tác về NVNONN theo tinh thần Nghị quyết 36 đã góp phần khơi thông nguồn lực của kiều bào, khuyến khích bà con tích cực đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Nhiều doanh nhân NVNONN trở về đầu tư, kinh doanh trong nước và đóng góp ngày càng nổi bật. Theo số liệu của ủy ban, tổng lượng kiều hối giai đoạn 1993 - 2023 đạt khoảng 230 tỷ USD. Từ năm 2020, kiều hối về Việt Nam đã vượt qua dòng Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân và vốn viện trợ nước ngoài ODA, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô.
Phó Thủ tướng đánh giá cao nhiều hoạt động ý nghĩa, gắn kết kiều bào, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào, giúp đưa các thế hệ người Việt xa quê trở về Tổ quốc, đưa người Việt trên toàn thế giới xích lại gần nhau hơn, góp phần vun đắp tình cảm với quê hương...
Thông qua phối hợp hoạt động với các cơ quan liên quan, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã triển khai nghiên cứu, tham mưu, xây dựng chính sách; vận động, tạo sự chuyển biến tích cực trong một bộ phận kiều bào còn định kiến; chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNONN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại; phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước… Đồng thời, tham gia hỗ trợ giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hằng năm, những hoạt động như chương trình “Xuân Quê hương”, trại hè cho thanh, thiếu niên kiều bào, những chuyến đón đoàn đại biểu kiều bào thăm Trường Sa, hội nghị cho kiều bào tham gia ý kiến và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng hay Hội nghị NVNONN toàn thế giới tổ chức thường xuyên những năm vừa qua, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước với công tác NVNONN.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban NVNONN đánh giá: “Việc kết nối kiều bào với đất nước ngày nay thuận lợi hơn trước đây nhiều. Ngày nay, đã có ít nhất một thế hệ đã trưởng thành, đang tham gia vào đời sống tại các nước sở tại, tiếp cận những tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến nhất. Cộng đồng người Việt được các nước sở tại công nhận là nghiêm túc và thành đạt”.
Về dự án FDI vào Việt Nam, tính tới năm 2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án tại 42/63 tỉnh, thành với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó, có hàng nghìn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của NVNONN tham gia đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Không chỉ đóng góp về kinh tế, kiều bào còn là nguồn lực quý báu về chất xám, là “phên dậu” bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, là nguồn lực mềm giúp quảng bá những giá trị của dân tộc ra thế giới, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.