Bài học lớn sau tổn thất
Ngày 7/9/2024, sau khoảng 7 giờ quần thảo với sức gió mạnh nhất 102 km/giờ, cấp 10, giật cấp 12 kèm theo hiệu ứng nhà cao tầng, siêu bão Yagi đã hạ đổ hàng loạt cây xanh ở Hà Nội. Trong số này, có khoảng 25 nghìn cây bật gốc, tập trung nhiều ở các quận, huyện như Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm. Đáng chú ý, dù đã trải qua hàng trăm năm sương gió, nhiều cây cổ thụ không thể trụ nổi trước sức gió khủng khiếp của Yagi. Trên đường Thanh Niên, một cây si bật gốc với bộ rễ rộng khoảng 4 m. Đường Hoàng Diệu, một cây cổ thụ đổ ngang đường. Cây si to lớn ở biệt thự 49 Trần Hưng Đạo hay cây sưa lâu năm ở gần trụ sở Bộ Ngoại giao (phố Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình) cũng đã bị bão số 3 quật ngã…
Không chỉ cây bên đường mà cây trong các công viên cũng ngổn ngang, tan tác. Theo số liệu thống kê của Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), có đến 116 cây gãy, đổ bên trong công viên, trong đó có cả cây đa do Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng vào năm Canh Tý 1960 khi kêu gọi cả nước hưởng ứng phong trào Tết trồng cây. Tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, cây đa nhiều năm tuổi vốn đã quen thuộc với nhiều người cũng bị gãy làm đôi. Còn tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), đơn vị quản lý cho biết, có 34 cây đổ, toàn bộ cây hoa các bồn bị dập nát.
Câu chuyện của Hà Nội sau cơn bão số 3 khiến nhiều người liên tưởng đến những gì mà thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) từng trải qua khi cơn bão số 5 (tháng 9/2020) đi qua khiến hơn 15 nghìn cây xanh bật gốc, gãy đổ. Đại diện Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, rút kinh nghiệm sau cơn bão số 5, cứ trước mùa mưa bão, từ tháng 7, Trung tâm đã huy động nhân lực và phương tiện tiến hành cắt tỉa cây, hạ độ cao, tạo thông thoáng, độ nhẹ cho cây. Ngoài ra, việc trồng và chăm sóc cây ở đô thị cũng được chú ý tỉ mẩn hơn khi tạo hố đủ lớn, đủ sâu và bổ sung đất màu, dinh dưỡng cho cây sinh trưởng. Bên cạnh đó, trung tâm cũng tăng cường kiểm kê những cây già, mục, trồi rễ, đề xuất phương án chặt hạ, bảo đảm an toàn. Tương tự tại Quy Nhơn, Nghệ An… nhờ tiến hành quyết liệt công tác cắt tỉa cây từ đầu mùa mưa bão nên tỷ lệ gãy đổ đã giảm.
Trong khi đó tại Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội - đơn vị đang quản lý chăm sóc khoảng 130 nghìn cây xanh đô thị trên địa bàn 12 quận nội thành cho biết, công tác cắt tỉa cây được thực hiện từ quý IV năm 2023. Đến thời điểm bão vào, đơn vị đã cắt tỉa được khoảng hơn 60 nghìn cây. Thống kê thiệt hại sau cơn bão số 3, khoảng 10 nghìn cây do công ty quản lý đã bị gãy đổ, trong số này, đơn vị đã trồng lại tại chỗ khoảng 40%.
Rút ra bài học từ bão số 3, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Cơn bão số 3 là thử thách quá lớn với hệ thống cây xanh của Hà Nội. Để ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác cắt sửa cây, trong đó chú ý đến việc hạ độ cao trước mùa mưa bão. Thứ hai là tăng cường công tác kiểm tra, quản lý cây xanh, giải quyết triệt để các đơn thư phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vấn đề cây xanh. Bên cạnh đó, tiếp tục kiến nghị thành phố yêu cầu các chủ đầu tư dự án thực hiện thi công hạ ngầm, cải tạo hè, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường, phố phải có biện pháp bảo đảm tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh. Ngoài ra, việc lựa chọn chủng loại cây trồng cũng phải cẩn thận và căn cơ hơn.
Kỳ vọng số hóa việc chăm sóc, bảo vệ
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cho rằng: Vẫn biết khả năng chống chịu của cây trước sức gió giật mạnh nhất trong vòng 30 năm qua là hữu hạn tuy nhiên cơn bão số 3 cũng giúp Hà Nội rút ra nhiều kinh nghiệm đối với công tác quản lý cây xanh. Việc cần làm hiện nay là phải chủ động tập trung đánh giá lại toàn bộ cây xanh, đặc biệt là những cây quý hiếm, cây cổ thụ, cây di sản để có biện pháp bảo vệ đặc biệt hơn. Trước mùa mưa bão cần chủ động hơn nữa trong việc cắt, tỉa, hạ độ cao, có biện pháp gia cố vừa chắc chắn, đồng nhất, bảo đảm mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa phải có sự thống nhất giữa phát triển hạ tầng (vỉa hè, đường, cống ngầm, dây điện…) và cây xanh.
“Cây xanh trong đô thị là tài sản quý được vun trồng qua nhiều năm nhưng lại chưa có luật để bảo vệ là một điều vô lý. Sau thời gian đề xuất, hiện nội dung này đã được Bộ Xây dựng đưa vào một chương trong dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng sẽ có luật riêng để bảo vệ cây xanh đô thị”, ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Bàn về việc chăm sóc cây xanh, PGS, TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đề xuất xây dựng hệ thống cảnh báo và bảo vệ cây xanh. Đây là một phần quan trọng trong việc quản lý và duy trì không gian xanh đô thị, đặc biệt là trong các thành phố lớn như Hà Nội. Hệ thống này không chỉ giúp bảo vệ cây xanh khỏi các tác động tiêu cực từ môi trường và con người mà còn giúp cảnh báo sớm các vấn đề sức khỏe cây, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời. Để làm được việc này, Hà Nội nên đầu tư xây dựng hồ sơ lý lịch cây xanh đô thị để quản lý bằng phần mềm công nghệ thông tin hiện đại. Trước mắt, cần tạo lập cơ sở dữ liệu số hóa thông tin về toàn bộ cây xanh trong thành phố, bao gồm dữ liệu lịch sử, vị trí, và trạng thái sức khỏe. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hiện đại hóa xong công tác cắt sửa cây xanh đô thị.
Cần quy hoạch tổng thể lâu dài
Ngay sau khi cơn bão số 3 quét qua Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khi đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 đã yêu cầu, đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ vì “trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian”. Hiện Sở Xây dựng Hà Nội đang nỗ lực cùng với các bộ phận chuyên môn chuẩn bị phương án tổng thể để giữ gìn, khôi phục lại những cây xanh đã bị gãy đổ do “siêu bão” số 3 gây ra. Đối với cây đổ, bật gốc, các đơn vị sẽ cắt tỉa cành, dựng lên hoặc mang về nơi dâm ủ, dùng thuốc kích rễ cây để phục hồi. Đặc biệt, những cây quý, cây cổ thụ sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ. Tuy nhiên, phần nhiều cây gẫy đổ không thể hồi sinh mà cần phải tiến hành trồng thay thế trong thời gian tới.
Xanh hóa các không gian công cộng bằng yếu tố cây xanh và phục hồi hệ sinh thái đô thị là giải pháp tối ưu nhằm khôi phục các giá trị tự nhiên trong đô thị hiện đại. Trồng cây gì, trồng ở đâu, trồng ở loại đất nào… là bài toán của những người làm công tác thiết kế cảnh quan đô thị. Để có thể phát triển cây xanh đô thị bền vững, TS, KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Năm 2011, Hà Nội đã quy hoạch đất trồng cây xanh trong đô thị nhưng chưa quy hoạch cây xanh nên chiến lược hay kịch bản để tạo ra cây xanh đô thị có bản sắc, chất lượng là chưa có. Thời gian tới, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ lưỡng định hướng trồng cây cho từng tuyến, từng không gian theo đặc trưng cảnh quan và có câu chuyện về bản sắc sẽ đem lại hiệu quả hơn. Cùng với đó, thành phố cũng cần lựa chọn những loài cây phù hợp với không gian đô thị. Có những cây trước đây phù hợp nhưng vì sự thay đổi của môi trường, nhu cầu xã hội nên đến nay không còn phù hợp cần mạnh dạn thay đổi.
“Đối với Hà Nội, cây xanh không chỉ đơn thuần là một yếu tố của hạ tầng kỹ thuật đô thị mà đây còn là một trong những yếu tố của văn hóa đô thị. Nhiều cây đã đi vào tiềm thức và trở thành một phần ký ức của người Hà Nội. Ứng xử với cây xanh Hà Nội thì không thể ứng xử như là một bộ phận đơn thuần của hạ tầng kỹ thuật đô thị. Phải làm sao để tất cả mọi người cùng yêu cây, coi cây là tài sản chung để cùng có ý thức giữ gìn bảo vệ tốt hơn”, ông Nguyễn Đức Mạnh chia sẻ.