Nâng cao Hệ thống quản lý chất lượng
Bộ KH&CN đang nghiên cứu để trình Chính phủ “Tờ trình, dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 19/2014/QĐ-TTg”. Quyết định 19/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Quyết định 19/2014/QĐ-TTg được ban hành và đi vào đời sống đã đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Nhận thức và hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức được cải thiện. Các quy trình được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Hoạt động tư vấn giám sát thực hiện áp dụng Hệ thống quản lý theo TCVN sôi nổi trên khắp cả nước. Nhiều công ty tư vấn độc lập, bao gồm cả tư nhân và các công ty trực thuộc các trung tâm của Bộ KH&CN cạnh tranh minh bạch, góp phần đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng Hệ thống quản lý vào các cơ quan hành chính. Tính đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các hoạt động liên quan giải quyết thủ tục hành chính, kết hợp với cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, cá nhân tại các cơ quan hành chính nhà nước đã hoàn thành việc áp dụng TCVN ISO 9001.
Nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cũng như hiện thực hóa các kết quả đạt được, Bộ KH&CN đã có Công văn số 530/BKHCN-TĐC lấy ý kiến góp ý dự thảo “Tờ trình, dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg”. Hiện nay đã có 27/29 bộ quản lý chuyên ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đóng góp ý kiến. 54/63 tỉnh, thành phố góp ý vào dự thảo. Một số ý kiến được Bộ KH&CN tiếp thu và điều chỉnh. Tuy nhiên vẫn còn những điểm sửa đổi đang gây tranh luận.
Có nên loại bỏ đơn vị tư vấn ngoài sự nghiệp công lập?
Tại khoản 10 điều 1 của dự thảo Quyết định quy định điều kiện của tổ chức tư vấn: “tổ chức tư vấn thực hiện hướng dẫn, tư vấn trong việc triển khai áp dụng TCVN ISO 18091 phải là đơn vị sự nghiệp công lập” đang gây ra những ý trái chiều.
Đây là một điều kiện mới, nếu như được áp dụng sẽ loại bỏ hoàn toàn các đơn vị tư vấn tư nhân. Được biết, hiện nay có khoảng 20 đơn vị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này, các đơn vị này đều phải bảo đảm được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng; Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn hiện hành…
Góp ý với dự thảo, Bộ Tư pháp cho rằng, hoạt động tư vấn triển khai áp dụng TCVN không có trong danh mục nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại phụ lục IV Luật Đầu tư. Như vậy rất khó có cơ sở để quy định tổ chức tư vấn TCVN 18091 phải là đơn vị sự nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước là “phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”, vì vậy, không nên dùng điều kiện kinh doanh để phân biệt đối xử, hạn chế điều kiện hoạt động kinh doanh của các tổ chức tư vấn giữa các cơ quan của Nhà nước với doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân. Thậm chí điều kiện này cũng không phù hợp các quy định của Luật Doanh nghiệp.
Bộ KH&CN sau khi nhận được những góp ý của các bộ, ban, ngành, địa phương về ý kiến trên đã tiếp tục bảo lưu quan điểm, cho rằng phạm vi áp dụng của TCVN ISO 18091 bao gồm bốn trụ cột: xây dựng thể chế; phát triển kinh tế bền vững; phát triển xã hội toàn diện; phát triển môi trường bền vững; liên quan đến nhiều mảng lĩnh vực quan trọng của địa phương nên quy định phải là đơn vị sự nghiệp công lập để bảo đảm trách nhiệm, tính bảo mật trong quá trình tư vấn, hướng dẫn phù hợp.
Song anh H, Giám đốc một đơn vị tư vấn tư nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn giám sát áp dụng TCVN ISO 9001 cho rằng, yêu cầu “phải là đơn vị sự nghiệp công lập” đối với tổ chức tư vấn thực hiện hướng dẫn trong việc triển khai áp dụng TCVN ISO 18091 là không cần thiết. Toàn bộ các quy trình thực hiện thủ tục hành chính càng cần phải minh bạch để người dân có thể tự mình giám sát quá trình thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng. Bản thân đơn vị tư vấn của anh H đã từng nhận tư vấn cho các cơ quan thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng mà không gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến bảo mật.
Chị L, thuộc một trung tâm tư vấn khác bổ sung thêm: Việc loại bỏ hoàn toàn các đơn vị tư vấn tư nhân sẽ khiến cho môi trường mất đi tính cạnh tranh. Bản thân các tổ chức tư vấn sẽ mất đi động lực để tự nâng cao chất lượng hơn nữa trong hoạt động tư vấn. Thêm vào đó, nó sẽ làm giảm đáng kể tốc độ thực hiện áp dụng Tiêu chuẩn ISO 9001 trên khắp cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, những đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng tư vấn triển khai áp dụng TCVN chỉ khoảng 5 đơn vị.
Triển khai áp dụng Tiêu chuẩn ISO vào hệ thống quản lý đã đem lại những lợi ích cho cả cơ quan quản lý và người dân. Vấn đề được đặt ra phải làm sao để đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai sâu rộng trên khắp cả nước, từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến các cơ quan nhà nước. Trong quá trình thực hiện, việc bảo đảm lợi ích công bằng cho tất cả các bên từ cung cấp dịch vụ đến thụ hưởng dịch vụ cũng là việc cần cân nhắc. Một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng sẽ mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn!
Từ trước đến nay chúng ta vẫn thường hiểu tiêu chuẩn quốc gia được áp dụng trên tinh thần tự nguyện, trái ngược hoàn toàn với quy chuẩn quốc gia, áp dụng bắt buộc. Tuy nhiên toàn bộ hoặc một phần của tiêu chuẩn cụ thể có thể trở thành bắt buộc khi được viện dẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật (khoản 1 điều 23 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ban hành ngày 29/6/2006). Trường hợp đặc biệt này thể hiện rõ trong Quyết định 19/2014/QĐ-TTg, tại khoản 1 điều 2 quy định rõ các cơ quan hành chính từ T.Ư đến địa phương bắt buộc phải áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng.