Thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng hai con số trong những năm tới và đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD. Tuy vậy, châu Á hiện đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh gay gắt để thu hút các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư. Theo đó, quốc gia nào nhanh chân và có những hành động quyết liệt thì quốc gia đó sẽ nắm bắt được cơ hội từ làn sóng này.
Tâm điểm của ngành bán dẫn
Mới đây, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA của Mỹ (Tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD) đã có chuyến thăm Việt Nam. 250 triệu USD đầu tư vào Việt Nam chưa phải là số tiền quá lớn nhưng đủ để xác định đây là thị trường quan trọng.
“NVIDIA mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai…, góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam”, ông Jensen Huang khẳng định.
Trước đó một tuần, đoàn đại biểu Hiệp hội bán dẫn Mỹ (SIA) gồm lãnh đạo Hiệp hội và bảy doanh nghiệp thành viên là những công ty lớn trong ngành bán dẫn toàn cầu cũng có mặt tại Việt Nam lần thứ 3 trong năm 2023 để tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư. Theo ông John Neuffer, Chủ tịch SIA: “Nhà đầu tư nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”.
Trên thực tế, Việt Nam sớm trở thành tâm điểm ngành bán dẫn khi Samsung tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn từ tháng 7/2023 với số vốn đầu tư thêm là 920 triệu USD. Việt Nam còn là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel với mức đầu tư 1,5 tỷ USD và đang bắt đầu giai đoạn thứ hai mở rộng hoạt động. Ngoài ra, nhiều công ty bán dẫn lớn của thế giới cũng đang đặt nhà máy tại Việt Nam, như USI Electronics của Đài Loan (Trung Quốc) hay Renesas Electronics của Nhật Bản. Tập đoàn chip Synopsys của Mỹ cũng mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Synopsys đã và đang chuyển đầu tư, đào tạo kỹ sư sang Việt Nam để tái cân bằng hoạt động trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ Trung Quốc - Mỹ đang diễn ra gay gắt. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đối với các nhà đầu tư ngành bán dẫn.
Cơ hội để nắm bắt
Đại diện địa phương, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh xác định đây là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất đón nguồn vốn từ nước ngoài. Trong lĩnh vực bán dẫn, hạ tầng khu công nghiệp, Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất miền bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao.
“Hiện dư địa mặt bằng vẫn còn 2.500 ha đến năm 2025, dự kiến năm 2026-2030, Bắc Ninh sẽ phát triển thêm sáu khu công nghiệp ở phía nam với diện tích 2.000 ha. Dư địa về hạ tầng công nghiệp vẫn dồi dào”, ông Tuấn khẳng định.
Về phát triển nguồn nhân lực, địa phương có Nghị quyết của HĐND là hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên, học viên của trường học đại học, cao đẳng, trung tâm học nghề đối với các ngành công nghệ cao với 400 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025. Ngoài ra, trong năm 2024, địa phương sẽ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ các cơ sở đào tạo và học phí đối với sinh viên chuyên ngành bán dẫn. Tuy vậy, địa phương đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành chính sách ưu đãi cho các cơ sở đào tạo cũng như nguồn nhân lực khi tham gia trong lĩnh vực này.
“Tinh thần địa phương sẽ có Nghị quyết này trên cơ sở có chính sách từ trung ương sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Tuấn nêu rõ.
Còn theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Hàn Quốc là đất nước sản xuất chip hàng đầu thế giới, từ sản xuất chip này sẽ dẫn tới phát triển sang lĩnh vực khác như sản xuất ô-tô, điện thoại... Tuy vậy, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, ngoài môi trường kinh doanh ổn định, nhiều ưu đãi, thì điều doanh nghiệp mong muốn là có nguồn điện sản xuất dồi dào và ổn định.
“Sản phẩm chip hay chất bán dẫn đều là những sản phẩm có giá trị rất cao. Trong quá trình sản xuất, nếu mất điện đột ngột thì dây chuyền sản xuất sẽ phải làm lại hoàn toàn và phải mất từ một tuần đến vài tháng. Điều này sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp lên hàng tỷ USD. Nếu địa phương không có nguồn điện đầy đủ và ổn định thì rất khó thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này”, ông Hong Sun nêu rõ.
Sẵn sàng với điều kiện tốt nhất
Trước băn khoăn này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt đối với các bộ, ngành và địa phương để có sự sẵn sàng với điều kiện tốt nhất đón nhận nguồn đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Thứ nhất, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư kinh doanh cho các nhà đầu tư. Thứ hai, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế “một cửa” giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư. Thứ ba, xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và sẽ sớm ban hành trong đầu năm 2024. Theo đó, mục tiêu đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư cho ngành đến năm 2030, trong đó dự kiến có 15.000 kỹ sư chất lượng cao trong thiết kế vi mạch, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư tại Việt Nam. Thứ tư, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cùng với ba khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. “Đồng thời, nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm Mỹ tháng 9/2023 vừa qua, NIC cũng đã có những ký kết hợp tác cụ thể với các đối tác Mỹ để phát triển các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, vườn ươm về thiết kế, phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn như với Synopsys, Cadence, Đại học bang Arizona”, Bộ trưởng thông tin.
Đặc biệt, vừa qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một nghị định thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Hiện các doanh nghiệp quan tâm đến các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, các chính sách bảo hộ trí tuệ và các chính sách hạ tầng. Nhiều đề xuất có giá trị và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ làm sao có chính sách cạnh tranh trong khu vực. Hy vọng, chúng ta sẽ có những chính sách đúng để đón và làm chủ được làn sóng này.