Chỉ với chiếc điện thoại…
Dùng chiếc điện thoại thông minh truy cập vào địa chỉ museehue.vn, một triển lãm văn hóa số với các cổ vật triều Nguyễn hiện ra trong mắt Minh Quân. Kích vào chữ “xem chi tiết” cạnh cổ vật Ngai vua thời Nguyễn, dòng thông tin hiện ra: “Ngai được làm bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng. Ở phần trên là hình ảnh mặt trời trên nền dải mây cách điệu thể hiện quyền lực tối cao của nhà vua. Ở lưng ngai được khắc hai chữ thọ. Tay ngai 2 bên là 2 hình rồng hướng ra phía trước trong tư thế đạp mây uy nghi thể hiện sức mạnh của vua chúa...”.
Cảm thấy thích thú, Minh Quân bày tỏ: “Chỉ với chiếc điện thoại, tôi được chiêm ngưỡng trọn vẹn 360 độ sắc nét các vật phẩm, trải nghiệm những câu chuyện lịch sử rất hấp dẫn trong không gian văn hóa chân thực”.
Đây là kết quả của việc định danh số 10 cổ vật triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) và ra mắt không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro, ứng dụng công nghệ của Phygital Labs. Việc này được Trung tâm cùng Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế tiên phong thực hiện. Được định danh gồm các cổ vật tiêu biểu của vua, quan nhà Nguyễn như kiệu vua, đôi hia thêu rồng mây, cơi thờ bằng bạc, chậu cành vàng lá ngọc thời Vua Đồng Khánh, tô sứ ký kiểu thời Vua Minh Mạng, bức phù điêu chạm khắc cảnh đẹp thời Vua Minh Mạng, quả cầu cửu long sơn thếp, thủ bút Từ Huấn Lục, bộ xăm hường bằng ngà voi của Vua Tự Đức.
Những ngày qua, du khách tham quan bảo tàng đều được nhân viên giới thiệu cổ vật được gắn chip NFC và được định danh bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs cũng như hướng dẫn trải nghiệm tham quan bảo tàng số tại địa chỉ museehue.vn. Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiện nay, đơn vị đã scan 3D cho 207 hiện vật tiêu biểu tại bảo tàng, trong đó có 8 hiện vật/bộ hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Thời gian tới, trung tâm sẽ định danh số thêm 89 hiện vật, xây dựng đề cương để triển lãm trên không gian số.
Trải nghiệm chưa từng có
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc định danh số giúp cho nhiều người trong nước và quốc tế có thể tham quan trên không gian số, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn cầu. Đồng thời, mở ra hướng mới cho việc phát triển kinh tế số như cung cấp dịch vụ tham quan bảo tàng số cho khách quốc tế, tạo ra các phiên bản quà lưu niệm (được tái hiện chất lượng cao) kèm với phiên bản số để bán cho khách tham quan.
Chỉ cần người dùng có điện thoại kết nối internet, khi đưa thiết bị sát vào mã NFC, thiết bị tự động kết nối đến địa chỉ museehue.vn. Từ đó, du khách được trải nghiệm tham quan bảo tàng ảo, mở ra tương tác đa chiều với các thông tin lịch sử, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật.
Trong quá trình triển khai định danh số và triển lãm số, khó khăn là phải tìm hiểu được các thông tin liên quan, có tính hệ thống, tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu tri thức số liên quan đến cổ vật được chọn lựa để định danh. Việc gắn chip vào các cổ vật đòi hỏi phải lựa chọn phương án tối ưu nhất để không tác động, ảnh hưởng đến chất liệu, mầu sắc cổ vật. Bên cạnh đó, đây là khái niệm mới và lần đầu tiên ở Việt Nam nên nhiều người chưa hiểu rõ, chưa biết nhiều về công nghệ Nomion, định danh số. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp Phygital Labs khảo sát, đánh giá, nghiên cứu các kỹ thuật liên quan đến việc gắn chip, lựa chọn hình dạng các loại chip phù hợp nhất với chất liệu cổ vật.
Xây dựng không gian triển lãm văn hóa số đầu tiên trên metaverse, ông Nam Đỗ, Giám đốc Công nghệ Phygital Labs, chia sẻ: “Chúng ta có thêm cơ hội bán vé tham quan, tăng nguồn thu từ tệp khách hàng số vốn đang rất thiếu những nội dung văn hóa, lịch sử thu hút. Ngoài ra, đơn vị sở hữu còn có thể cho bán các sản phẩm cổ vật replica (phiên bản) được chứng thực cho khách hàng số có nhu cầu. Từ đó, ngoài việc lan tỏa câu chuyện văn hóa, lịch sử Việt Nam ra toàn cầu, chúng tôi mong muốn góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa vốn giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng giá trị, kiến tạo nên mô hình kinh tế số hoàn toàn mới”.
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn áp dụng công nghệ vào bảo tồn di sản như đã số hóa hàng chục nghìn tài liệu Hán Nôm, hồ sơ di sản; đã số hóa cho di tích điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các; xây dựng mã QR để giới thiệu về di tích, cổ vật... Trong thời gian tới sẽ tiếp tục số hóa cho gần 1.000 hiện vật ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Thành lập năm 1923 dưới thời Vua Khải Định, hiện nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được giao quản lý bộ sưu tập hiện vật của triều Nguyễn với chất liệu như đồ sứ, đồ pháp lam, kim loại quý… Tòa nhà trưng bày chính của bảo tàng ở điện Long An, hiện trưng bày khoảng 500 hiện vật phản ánh đời sống, sinh hoạt, lễ nghi cung đình triều Nguyễn.