Cảnh báo về siro ho của Ấn Độ

Nhà chức trách Ấn Độ đã đình chỉ hoạt động một nhà máy của Công ty dược phẩm Maiden ở thị trấn Sonepat, bang Haryana sau khi phát hiện có sai phạm liên quan tiêu chuẩn sản xuất. Dù giới chức Ấn Độ cho biết sẽ xử lý nghiêm, song vụ việc này vẫn khiến công chúng vô cùng bức xúc khi các nạn nhân đều là trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Xưởng sản xuất thuốc của Maiden ở thị trấn Sonepat đã bị đóng cửa để điều tra. Ảnh: PTI
Xưởng sản xuất thuốc của Maiden ở thị trấn Sonepat đã bị đóng cửa để điều tra. Ảnh: PTI

Theo Reuters, người chịu trách nhiệm về Y tế bang Haryana, ông Anil Vij cho biết, lực lượng chức năng đã kiểm tra một nhà máy của Maiden gần thị trấn Sonepat, phát hiện 12 sai phạm và ra lệnh ngừng sản xuất siro ho tại nhà máy của Maiden Pharma tại khu vực này. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng thuốc của nhà máy này có thể liên quan việc 69 trẻ em tử vong tại Gambia. WHO đã phân tích bốn sản phẩm của Maiden gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup trong phòng thí nghiệm.

Kết quả cho thấy, các sản phẩm có lượng lớn chất “diethylene glycol” và “ethylene glycol”, thường được sử dụng trong chất chống đông, hút ẩm và các sản phẩm công nghiệp khác. Các chất này cũng có thể được sử dụng thay thế glycerine (chất dung môi hoặc làm đặc trong một số loại siro trị ho) vì giá rẻ hơn. Khi sử dụng lượng lớn “diethylene glycol” và “ethylene glycol”, người dùng sẽ có các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu... dẫn đến tổn thương thận cấp tính, thậm chí tử vong.

Cơ quan Kiểm soát dược phẩm Haryana bước đầu cho biết, hãng dược Maiden đã không kiểm tra lượng diethylene glycol và ethylene glycol có trong thuốc. Một số lô hàng thậm chí không có ngày sản xuất và hạn sử dụng. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, bốn sản phẩm bày bán ở Gambia đã được gửi đi kiểm tra tại các phòng thí nghiệm liên bang, kết quả mới nhất sẽ “định hướng cho những hành động tiếp theo cũng như làm rõ các bằng chứng từ WHO”. Trong khi đó, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Maiden, ông Naresh Kumar Goyal, từ chối bình luận về vấn đề này. Tuần trước, ông này cho biết, công ty đang cố gắng tìm hiểu vụ việc xảy ra ở Gambia.

Theo công bố trên trang web, Maiden sản xuất mỗi năm khoảng 2,2 triệu chai siro, 600 triệu viên nang, 18 triệu liều thuốc tiêm, 300.000 ống thuốc mỡ và 1,2 tỷ viên nén tại ba nhà máy. Hãng này bán sản phẩm trong nước và xuất khẩu sang các nước ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ latin. Trong khi đó, siro ho chỉ được phép xuất khẩu sang Gambia. Dù vậy, WHO nhận định có thể công ty đã đưa sản phẩm sang những nơi khác thông qua các con đường không chính thức. Do đó, WHO khuyến cáo nên thận trọng và kêu gọi các nước rà soát và cấm lưu hành những sản phẩm này.

Kể từ tháng 7, các bác sĩ tại Gambia đã phát hiện một số trẻ em nước này có các triệu chứng suy thận sau khi sử dụng một loại siro ho có thành phần paracetamol được bán tại thị trường trong nước. Thuốc ho nói trên được sản xuất tại Ấn Độ và nhập khẩu vào Gambia thông qua một công ty có trụ sở ở Mỹ. Tháng 9, nhà chức trách Gambia bắt đầu mở cuộc điều tra về vụ việc và xác định tổn thương thận là nguyên nhân dẫn đến 69 trẻ em tử vong.

Văn phòng Tổng thống Gambia cho hay, Tổng thống Adama Barrow đã chỉ thị các cơ quan y tế “đình chỉ giấy phép của nhà nhập khẩu siro ho” nói trên, đồng thời tuyên bố sẽ điều tra đến cùng căn nguyên vụ việc này. Ông Barrow cũng công bố một loạt biện pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra những thảm kịch tương tự trong tương lai, trong đó có việc thành lập “phòng thí nghiệm quốc gia kiểm soát chất lượng về thuốc và an toàn thực phẩm”, cũng như cam kết sửa đổi luật liên quan dược phẩm. Bộ Ngoại giao Gambia cũng bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” của chính phủ nước này tới Đại sứ quán Ấn Độ.

Theo Reuters, đây là một trong những sự cố tồi tệ nhất liên quan dược phẩm của Ấn Độ, nơi thường được mệnh danh là “hiệu thuốc của thế giới”. Vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận khi những nạn nhân đều là trẻ em. Bê bối cũng cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý quy trình sản xuất dược phẩm tại Ấn Độ, đòi hỏi các nhà chức trách cần có biện pháp thắt chặt hơn trong tương lai.