Gây nhiễu thông tin tuyển sinh
Chị N.T.H (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tỏ thái độ bức xúc khi rất nhiều học sinh lớp 12 như con chị, đang trong giai đoạn nước rút để bước vào kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học lại thường xuyên “mách nhau” lên TikTok để xem các video có nội dung đến “chọn ngành học” hay “hướng nghiệp” nhưng lại lệch lạc như “Những bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam” hay “Ba ngành đại học vô dụng”, “Bằng đại học vô dụng bậc nhất trong ngành Kinh tế”!
“Ngay từ đầu năm học, tôi và con gái đã thống nhất sẽ theo học ngành Sư phạm giống truyền thống gia đình. Thế nhưng những ngày gần đây, con gái lại khăng khăng, Sư phạm là một trong những ngành thất nghiệp trong năm 2022, không nên đăng ký! Con gái tôi đã tin lời TikToker nói về những nghề dễ thất nghiệp nên mới vậy”.
Tương tự, em D.A.T (quận Lê Chân, Hải Phòng) có học lực khá môn tiếng Anh nhiều năm liền, lại vừa lấy chứng chỉ IELTS 7.0 và từng ấp ủ ý định vào học ngành Ngôn ngữ Anh. Thế nhưng, em thật sự hoang mang trước thông tin “ngành Ngôn ngữ Anh tỷ lệ thất nghiệp cao, tuyệt đối không nên đăng ký” từ một số video TikTok. “Tôi thấy ngạc nhiên khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều. Khách du lịch đến Việt Nam cũng rất đông. Trong khi, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ cấp tiểu học thì tại sao ngành học này lại thất nghiệp như các video trên TikTok nói được”, bố em D.A.T chỉ trích.
Lên mạng xã hội, chỉ cần gõ dòng chữ “tư vấn ngành học” và vào ô tìm kiếm trên TikTok, hàng loạt video tư vấn ngành nghề sẽ hiện ra. Đáng chú ý, hầu hết những video có lượt xem cao nhất đều có tiêu đề như “Ba ngành đại học vô dụng”, “Bằng đại học vô dụng bậc nhất trong ngành Kinh tế”, “Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam”... Các video này có độ dài chưa đến một phút này sở hữu lượt xem cao, lên đến hàng triệu lượt xem và hàng chục nghìn tài khoản bình luận. Trong video, các TikToker này chỉ ra một vài ngành mà theo họ là không cần học. Tiếp đó, họ nêu ra một vài lý do để thuyết phục người xem.
Cụ thể, TikToker có tài khoản với hơn 336.000 lượt theo dõi, thường xuyên đăng tải các video tư vấn ngành học. Song thay vì có những định hướng chính xác, mang tính chất tích cực, người này lại có những tư tưởng sai lệch, “reo rắc” vào đầu học sinh, sinh viên rằng: Bằng đại học một số ngành nghề là hoàn toàn vô dụng. Tương tự, một tài khoản TikTok khác cũng thu hút tới hơn 2,9 triệu lượt xem video có tiêu đề “Ba ngành học vô dụng”, gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Theo đó, nhân vật này “liệt” Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Quản lý nhân sự... vào danh sách “đen”. Chẳng hạn, với ngành Ngôn ngữ Anh, người này có nhận định phiến diện khi cho rằng, hiện nay không ai là không biết tiếng Anh, xu hướng chung là nên đi học ngành khác rồi học thêm IELTS. Với ngành Quản lý nhân sự, người này còn nêu không cần phải học đại học ngành này, vì đây là lĩnh vực sử dụng kỹ năng mềm là chủ yếu.
Thống kê tại nhiều quốc gia trên thế giới, số thanh thiếu niên dùng TikTok chiếm hơn một nửa số tài khoản người dùng tại nước sở tại. Tại Việt Nam, TikTok công bố trong năm 2022 là hơn 27 triệu tài khoản. Ngoài ra, một khảo sát do Công ty Nghiên cứu thị trường Decision Lab thực hiện vào quý IV năm ngoái, cho thấy 67% gen Z (11-26 tuổi) có dùng TikTok.
Nền tảng chia sẻ video này ngày càng chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với giới trẻ, bởi đúng tâm lý thể hiện bản thân nhiều người và giải trí nhanh - gọn - nhẹ của gen Y, gen Z hiện đại. Lên mạng để nghe tư vấn tuyển sinh hay vấn đề, thông tin mà mình đang quan tâm không còn lạ gì với lớp trẻ, tuy nhiên, tin tới đâu là một kỹ năng mà không phải bạn trẻ nào cũng có được, hoặc tự trang bị được cho mình.
H.P.T, chủ một TikToker (với hơn 20.000 lượt theo dõi) chia sẻ: Hậu quả của những video hướng nghiệp lệch lạc khiến một lớp bạn trẻ hoang mang về tương lai không biết chọn theo “con tim” để theo nghề mà mình thích, hay nghe TikTok để tránh nghề “vô dụng”. Do thuật toán và tính tò mò, một bộ phận bạn trẻ vẫn xem và chia sẻ nên các nội dung này nhanh chóng trở thành xu hướng hàng đầu trên các nền tảng số. Và không biết đến lúc những lời cảnh báo thành hiện thực, liệu người trẻ có kịp giật mình để đặt câu hỏi tin vào chính mình, hay nghe lời nội dung số trên nền tảng trực tuyến, mà người làm ra video, hình ảnh, bài viết không chừng cũng đang thất nghiệp, nhưng tư vấn hướng nghiệp trên mạng thì trình độ “thượng thừa”.
Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc
TikTok đang quá dễ dãi khi cho phép đăng tải những video clip không qua xác thực nội dung. Với những thông tin giải trí thì độ ảnh hưởng không lớn, nhưng với những nội dung liên quan đến học sinh, công việc rất nguy hiểm. Chỉ cần chút thông tin sai lệch, có thể khiến cả trường, lĩnh vực nhất định sụt giảm tỷ lệ đăng ký xét tuyển, không có người học. Do đó, nhiều chuyên gia giáo dục đề nghị lực lượng chức năng xử lý nghiêm những video nội dung thiếu chính xác, gây nhiễu loạn, nguy cơ mang hậu quả nghiêm trọng.
Đại diện phòng tuyển sinh Trường đại học Hà Nội lo ngại trước những video TikTok về hướng nghiệp gần đây. Mạng xã hội này có lượng người trẻ, gen Z theo dõi lớn, chỉ cần một thông tin không đúng sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là trong giai đoạn các thí sinh chuẩn bị lựa chọn đăng ký ngành học, xác định mục tiêu vào đại học.
Trong khi đó, những người viết nội dung trên TikTok không có kiểm chứng, không chịu trách nhiệm về nội dung - đây là điểm khác so với các công bố của các đơn vị tuyển sinh. Từ đó gây hiểu nhầm cho học sinh khi tiếp cận thông tin. Những người thực hiện nội dung hướng nghiệp trên TikTok đa phần không đủ dữ liệu và thông tin các ngành học, dẫn đến sai lệch thông tin. Cộng hưởng thêm việc phát ngôn sốc để câu view, tăng lượng người xem, gây nhiễu công tác tuyển sinh của các trường. Do đó nhiều chuyên gia đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, xử phạt nặng việc tuyên truyền thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thể hiện sự bức xúc trước việc một số TikToker tự cho mình là những “chuyên gia” tư vấn hướng nghiệp, bóp méo thông tin khiến dư luận hoang mang. “Không có chuyện bằng đại học là vô dụng. Mọi chương trình đào tạo ở bậc đại học đều được thẩm định kỹ lưỡng và cập nhật kịp thời để bảo đảm sinh viên theo học được trang bị đầy đủ kỹ năng sau khi ra trường, đáp ứng được nhu cầu công việc”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nêu rõ.
Cũng theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, TikTok có ưu điểm là tốc độ truyền đạt thông tin rất nhanh, phù hợp với giới trẻ. Tuy nhiên, thời lượng mỗi video trên TikTok thường ngắn, khó truyền tải đầy đủ hết nội dung tư vấn. Chưa kể, nếu TikToker không cập nhật thông tin thời sự, cố tình chuyển tải sai so với những thông tin công bố của đơn vị tuyển sinh sẽ gây hiểu nhầm nghiêm trọng. Do vậy, học sinh, sinh viên phải tỉnh táo, xem, nghe có chọn lọc những video tư vấn chọn ngành, chọn nghề trên mạng xã hội. Với những video sai, có tính chất giật tít câu view, gây sốc, tuyệt đối không nghe theo và có tiếng nói tẩy chay những nội dung này.
Về phía chuyên gia tuyển dụng, chị Nguyễn Thái Hà, người đồng sáng lập Recruiter Talent Hub và thường xuyên có những video về tuyển dụng trên kênh TikTok với 3,8 triệu lượt thích cho hay: “Không có ngành học nào là vô dụng. Bản thân tôi cũng là người làm trái ngành, theo học tài chính ngân hàng nhưng lại công tác trong lĩnh vực nhân sự. Chẳng hạn, học kế toán doanh nghiệp, tôi hiểu về quyền lợi trong đóng bảo hiểm của người lao động, phục vụ trực tiếp cho lĩnh vực tôi đang làm. Tôi khẳng định mọi kiến thức học ở đại học đều sẽ ít nhiều phục vụ cho nghề nghiệp sau này. Ngoài ra, tôi mong các bạn trẻ phải xem khái niệm đại học rộng ra, không chỉ là quá trình học kiến thức, học nghề mà còn là cơ hội để các bạn trẻ có thêm kiến thức về vốn sống”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Huệ, Trường đại học Sư phạm Hà Nội: “Video TikTok thời lượng ngắn, nên không thể truyền tải đầy đủ, đúng nội dung tư vấn. Phụ huynh, học sinh đặc biệt cảnh giác trước những tư vấn nghề hay chọn trường, chọn ngành học. Học sinh cần tìm những nguồn thông tin đáng tin cậy, chuẩn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và báo chí, tránh ảnh hưởng đến việc lựa chọn tuyển sinh”.