Cảnh báo mắc ung thư đại trực tràng

Theo thống kê của Hội Ung thư Việt Nam, số người mắc ung thư đại trực tràng đã tăng gấp gần ba lần trong vòng 18 năm qua, trong đó có gần 9.300 ca tử vong.

Tầm soát để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.
Tầm soát để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.

Nếu năm 2000, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng ở nam và nữ là 5.400 ca, đến năm 2010 là hơn 13.000 ca thì đến năm 2018 đã tăng lên gần 15.000 ca. Trong khi đó, ung thư thực quản đứng thứ 15 trong tất cả các loại ung thư và có xu hướng gia tăng.

Thống kê cho thấy, ngoài những lý do bệnh lý thì phần lớn những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại tràng đều ở tuổi hơn 50 (mặc dù bệnh này có thể gặp ở những người trẻ tuổi).

Theo các chuyên gia nội tiêu hóa, có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh ung thư đại trực tràng và ung thư thực quản ngày càng gia tăng.

Đầu tiên, do kinh tế ngày càng phát triển, cường độ lao động của người dân ngày càng cao, nhiều người không có thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc cho sức khỏe. Bên cạnh đó, áp lực công việc, ít vận động, lười rèn luyện thể dục - thể thao, thừa cân béo phì cũng là nguyên nhân không nhỏ. Bên cạnh đó là do thói quen ăn uống và sinh hoạt như thức khuya nhiều, sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, chứa các chất bảo quản, hormon tăng trọng và sử dụng các loại thức ăn nhanh, chế độ ăn ít hoa quả, rau xanh, ăn quá nhiều chất đạm, thực phẩm công nghiệp chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản, nitrosamine và dùng nhiều các loại chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu…

Ngoài ra, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng được chú trọng, việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật tràn lan làm cho các nguồn nước ở sông, hồ, kênh bị ô nhiễm làm tăng nguy cơ tổn thương gen và phát triển tế bào ung thư. Đặc biệt, trong đời sống hằng ngày, nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm khi thâm nhập vào cơ thể có thể gây ra những phản ứng tức thời như ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Về lâu dài có thể gây các bệnh mạn tính, đột biến gen, phát sinh tế bào ung thư. Trước đây, bệnh thường gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi, nhưng gần đây bệnh này ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh đó, hiện nay, trẻ em ăn nhiều thực phẩm có chứa chất bảo quản, thực phẩm đóng hộp, chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật… trong khi ăn ít chất xơ, làm giảm khối lượng phân, kéo dài thời gian phân ở trong ruột, làm ruột phải tiếp xúc lâu với chất gây ung thư. Chế độ ăn thiếu các vitamin A, B, C, E, thiếu canxi… cũng làm tăng nguy cơ ung thư.

Theo các chuyên gia y tế, những nguy cơ mắc bệnh thường gặp ở tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng thì cháu trong gia đình khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác. Người có các thói quen sống không lành mạnh, thêm vào đó, việc uống rượu, hút thuốc lá, thuốc lào và sử dụng các chất kích thích làm tăng khả năng mắc ung thư đại tràng. Những người có tiền sử mắc các bệnh về đại tràng như polyp đại tràng, viêm đại tràng mạn tính, bệnh Crohn và những người tiền sử mắc bệnh đái tháo đường có khả năng mắc ung thư đại tràng cao hơn những người không mắc bệnh. Bên cạnh đó, những người có tiền sử xạ trị vùng bụng, chẳng hạn những người đã từng xạ trị vùng bụng để điều trị ung thư cổ tử cung, ung thư bàng quang… cũng có khả năng mắc ung thư thứ hai là ung thư đại tràng.