Cảnh báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 mới có tính đột biến cao đang khiến các nhà khoa học trên thế giới nỗ lực tìm hiểu mức độ lây lan và khả năng né tránh hệ miễn dịch của nó.
0:00 / 0:00
0:00
Giới khoa học đang chạy đua giải mã biến thể pirola. Ảnh: ABC
Giới khoa học đang chạy đua giải mã biến thể pirola. Ảnh: ABC

Ngày 18/8 vừa qua, Anh trở thành quốc gia mới nhất ghi nhận ca mắc biến thể BA.2.86, hay còn gọi là pirola. Đây là biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Trước đó, ca bệnh đầu tiên mắc biến thể này được ghi nhận ở Israel hôm 13/8, tiếp đến lần lượt là ở Đan Mạch, Mỹ. Các bệnh nhân ghi nhận tại bốn quốc gia thuộc ba châu lục khác nhau và không có sự liên hệ với nhau. Họ cho biết đều không rời khỏi khu vực sinh sống. Điều này cho thấy biến thể mới nhiều khả năng bắt đầu lan rộng trên toàn cầu mà không bị phát hiện trong một khoảng thời gian.

Trước tình hình đó, các nhà khoa học khắp thế giới đã báo động về sự xuất hiện của biến thể pirola. Giới khoa học cũng chạy đua trong nỗ lực tìm hiểu độc lực của BA.2.86 cũng như khả năng lây lan của biến thể trước khi đưa ra phương án đối phó. Theo TS Jesse Bloom, nhà nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ), sau một vài nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện pirola có tới 36 acid amin thay đổi ở protein gai so biến thể phụ BA.2 của Omicron.

Ngày 17/8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ định BA.2.86 là “biến thể đang được theo dõi”. Chỉ định này khuyến khích các quốc gia theo dõi và báo cáo các trình tự gien mà họ phát hiện. “Một biến thể đang được theo dõi” nếu gây ra bệnh nghiêm trọng hơn, tránh né được vaccine hay phương pháp điều trị hiện có có thể được nâng cấp lên thành “biến thể cần quan tâm” hoặc “biến thể đáng lo ngại” của WHO. Trước đây, các biến thể XBB.1.5, XBB.1.16 và EG.5 đã được liệt kê dưới dạng các “biến thể được quan tâm”. Trong khi đó, không có bất kỳ “biến thể đáng lo ngại” nào trong số 10 biến thể WHO đang giám sát.

Hiện, chỉ có sáu trình tự gien BA.2.86 đã được báo cáo ở bốn quốc gia, song các nhà dịch tễ học lo ngại con số thực tế có thể lớn hơn do việc giám sát các biến thể trên toàn thế giới đã bị hủy bỏ. “Thật bất thường khi SARS-CoV-2 thay đổi đáng kể như vậy và phát triển hơn 30 đột biến mới. Lần cuối chúng tôi chứng kiến sự thay đổi lớn như vậy là khi Omicron xuất hiện”, ông Morten Rasmussen - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Statens Serum Institut (SSI) của Đan Mạch cho biết.

Trong một bài phỏng vấn với Daily Mail, TS Scott Gottlieb, nguyên Giám đốc Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo, biến thể mới đột biến cao nên có khả năng thoát khỏi hệ thống miễn dịch của những người đã được tiêm phòng hoặc bị nhiễm bệnh trước đó. Dù vậy, ông thừa nhận chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này nguy hiểm hơn các biến thể cũ, song tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Mỹ đã bắt đầu tăng cũng cho thấy chưa thể lơ là với dịch bệnh này.

Đồng quan điểm, TS Mandy Cohen, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hôm 18/8 rằng, biến thể mới chưa đến mức đáng báo động. “Chúng tôi đang theo dõi dòng biến thể mới này. Nó có những đột biến khiến nó khác biệt với các dòng khác đã xuất hiện. Dù vậy, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng hơn bao giờ hết để phát hiện và ứng phó những thay đổi của virus gây bệnh Covid-19. Với phản ứng nhanh nhạy như hiện tại, tôi tin rằng chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh”, bà Cohen khẳng định.

Hồi tháng 3, Nhà trắng đã thăm dò ý kiến của hơn 10 chuyên gia Covid-19 về khả năng xuất hiện một biến thể đột biến cao trong vòng hai năm tới. Hầu hết các chuyên gia đã kết luận khả năng xảy ra trong khoảng từ 10 - 20%. Biến thể phụ XBB EG.5 hiện là biến thể chiếm ưu thế tại Mỹ, ước tính gây ra khoảng 20% tổng số ca nhiễm mới ở quốc gia này.