Căng thẳng ngoại giao Iraq-Thụy Điển leo thang

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Iraq với Thụy Điển liên quan vụ đốt bản sao kinh Koran, Iraq cam kết sẽ bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao nước ngoài và ngăn chặn việc tái diễn hành động xâm phạm Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều cuộc tuần hành diễn ra tại Baghdad sau vụ việc. Ảnh: REUTERS
Nhiều cuộc tuần hành diễn ra tại Baghdad sau vụ việc. Ảnh: REUTERS

Vùng Xanh bị đe dọa

Bộ Ngoại giao Iraq tuyên bố, chính phủ nước này cam kết thực hiện đầy đủ Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao (1961) và bảo đảm an ninh, an toàn cho tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao tại Iraq. Chính phủ Iraq sẽ không cho phép tái diễn hành động xông vào khuôn viên Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad ngày 20/7.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hàng trăm người biểu tình xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở trung tâm Thủ đô Baghdad, phóng hỏa để phản đối tình trạng biểu tình và đốt bản sao kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở Thủ đô Stockholm hôm 28/6. Nhiều cuộc tuần hành đã diễn ra tại Baghdad và Thủ đô Tehran của Iran nhằm phản đối những vụ việc tại Thụy Điển. Chính phủ của một số quốc gia Hồi giáo, trong đó có Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Jordan và Morocco cũng lên tiếng phản đối hành động báng bổ kinh Koran. Phản ứng trước tình hình trên, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom tuyên bố: “Những gì đã xảy ra là hoàn toàn không thể chấp nhận được và chính quyền Thụy Điển kịch liệt lên án những vụ tấn công như vậy”.

Dù chính phủ Iraq cam kết bảo đảm an ninh cho các phái bộ ngoại giao nước ngoài, khu vực Vùng Xanh - nơi đặt trụ sở của các cơ quan chính phủ cùng nhiều đại sứ quán nước ngoài - vẫn rơi vào tình trạng bất ổn. Ngày 22/7, hàng trăm người biểu tình tìm cách xông vào Vùng Xanh được bảo vệ nghiêm ngặt ở Baghdad, sau khi một nhóm cực hữu ở Đan Mạch đăng tải video đốt kinh Koran trước cửa Đại sứ quán Iraq ở Thủ đô Copenhagen. Lực lượng an ninh đã giải tán người biểu tình chặn cầu Jumhuriya dẫn đến Vùng Xanh, ngăn họ đi đến Đại sứ quán Đan Mạch.

Trước đó, ngày 21/7, nhóm cực hữu Danske Patrioter đăng video ghi hình một người đàn ông đang đốt một cuốn sách giống kinh Koran và giẫm lên quốc kỳ Iraq trước Đại sứ quán Iraq ở Thủ đô Copenhagen. Bộ Ngoại giao Iraq ngày 22/7 đã lên án hành vi báng bổ kinh Koran và quốc kỳ Iraq.

Iraq trục xuất Đại sứ Thụy Điển

Trước những căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Iraq với các nước phương Tây, Chính phủ Iraq đã yêu cầu Đại sứ Thụy Điển tại Baghdad phải rời lãnh thổ nước này, đồng thời triệu Đại biện lâm thời của Iraq tại Thụy Điển về nước. Ngày 21/7, Bộ Ngoại giao Thụy Điển thông báo đội ngũ nhân viên và các hoạt động không quan trọng của Đại sứ quán Thụy Điển tại Iraq đã tạm thời được chuyển về Thủ đô Stockholm vì lý do an ninh.

Quyết định được đưa ra sau khi Iraq cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thụy Điển nếu hành động đốt kinh Koran tái diễn ra tại Stockholm. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Iraq nêu rõ, Chính phủ Iraq đã thông báo với Chính phủ Thụy Điển thông qua các kênh ngoại giao rằng, bất kỳ sự tái diễn nào liên quan việc báng bổ kinh Koran trên đất Thụy Điển sẽ dẫn đến việc cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Ngoài ra, Chính phủ Iraq cũng đã đình chỉ giấy phép hoạt động của công ty sản xuất thiết bị viễn thông Ericsson của Thụy Điển trên lãnh thổ của mình. Trong một tuyên bố, đại diện của Ericsson cho biết, các vụ việc xảy ra ở Thụy Điển liên quan đến hành động đốt kinh Koran không phản ánh quan điểm của Ericsson là tôn trọng các giá trị của Hồi giáo.

Truyền thông Iraq đưa tin, Bộ Ngoại giao nước này đã đề nghị nhà chức trách Thụy Điển dẫn độ Salwan Momika - đối tượng người Iraq nhập cư đã đốt kinh Koran tại Thủ đô Stockholm của Thụy Điển vừa qua. Hãng tin INA dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq, ông Ahmed al-Sahhaf nêu rõ, đối tượng xúc phạm kinh Koran là một công dân Iraq, vì vậy nhà chức trách Thụy Điển cần giao đối tượng cho Chính phủ Iraq xét xử theo luật pháp Iraq.