Ngày 30/7, hàng trăm người ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada Al-Sadr đã tràn vào và tổ chức “biểu tình ngồi” tại tòa nhà Quốc hội Iraq ở Thủ đô Baghdad. Đây là lần thứ hai trong tuần qua, người biểu tình xông vào bên trong nhà Quốc hội để phản đối phe đối lập đề cử ứng cử viên cho chức Thủ tướng. Lực lượng an ninh Iraq đã buộc phải sử dụng hơi cay và “bom âm thanh” để giải tán đám đông người biểu tình. Phiên họp dự kiến của Quốc hội đã không thể diễn ra, do không có nghị sĩ nào đến tham dự.
Trước đó, hôm 27/7, nhiều người biểu tình cũng đã tràn vào Vùng Xanh ở Baghdad, nơi đặt trụ sở của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan ngoại giao nước ngoài và được bảo vệ nghiêm ngặt. Cảnh sát đã không thể ngăn đám đông xông vào tòa nhà Quốc hội. Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi yêu cầu người biểu tình lập tức rời đi và cảnh báo rằng, lực lượng an ninh sẽ can thiệp để bảo vệ các cơ quan nhà nước và đại diện nước ngoài, ngăn chặn tổn hại đối với an ninh, trật tự. Tuy nhiên, phải gần hai giờ đồng hồ sau và chỉ khi có thông điệp từ Giáo sĩ Moqtada Al-Sadr người biểu tình mới ra khỏi Vùng Xanh.
Các cuộc biểu tình tại Iraq vẫn diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử ở nước này hồi tháng 10/2021. Trong đó, đảng của Giáo sĩ Moqtada Al-Sadr giành thắng lợi và trở thành phe lớn nhất trong Quốc hội Iraq nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, với 73 trong tổng số 329 ghế Quốc hội, phe của Giáo sĩ Moqtada Al-Sadr không hội đủ thế đa số để được quyền lập chính phủ.
Giáo sĩ Moqtada Al-Sadr (giữa) và các nghị sĩ tuyên bố rút khỏi Quốc hội. Ảnh: TIMES OF ISRAEL |
Đến nay, tiến trình thành lập chính phủ mới ở Iraq vẫn bế tắc, do các đảng phái tiếp tục bất đồng về nhân sự cho chức Thủ tướng và các thành viên chính phủ. Quốc hội Iraq cũng chưa bầu được Tổng thống mới, do không đủ hai phần ba số phiếu ủng hộ cần thiết. Theo quy định của Hiến pháp Iraq, trên cơ sở đề xuất của liên đảng lớn nhất trong Quốc hội, Tổng thống sẽ chỉ định Thủ tướng để thành lập chính phủ mới.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Giáo sĩ Moqtada Al-Sadr phản đối việc liên minh các đảng Hồi giáo dòng Shiite đề cử ông Mohammed Shia Al-Sudani vào vị trí Thủ tướng. Hiện, toàn bộ các nghị sĩ thuộc đảng của Giáo sĩ Moqtada Al-Sadr tuyên bố rút khỏi Quốc hội.
Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) đã kêu gọi Iraq có biện pháp ngăn chặn căng thẳng leo thang. UNAMI nhấn mạnh quan ngại đặc biệt về bất ổn hiện nay tại Iraq, đồng thời hối thúc các bên “xuống thang” vì lợi ích của người dân và đất nước. UNAMI đánh giá tình trạng căng thẳng gia tăng hiện nay là “cực kỳ đáng ngại” và điều quan trọng nhất là “lý trí và nỗ lực ngăn ngừa bạo lực và bất ổn”. Tổng Thư ký AL Ahmed About-Gheit cũng kêu gọi các lực lượng chính trị tại Iraq kiềm chế, tìm kiếm các khả năng phối hợp để nhanh chóng chấm dứt căng thẳng, đồng thời khởi động tiến trình “đối thoại thật sự và chân thành”.
Căng thẳng leo thang trong bối cảnh Iraq đối mặt nhiều thách thức lớn. Không chỉ mâu thuẫn và chia rẽ trên chính trường, quốc gia Trung Đông này cũng chìm trong khủng hoảng kinh tế-xã hội, do tác động nghiêm trọng của tình trạng giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao.