Cần thiết điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS

Tại sự kiện Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục mới đây, nhiều giáo viên ở các địa phương tiếp tục bày tỏ lo lắng về việc dạy học các môn tích hợp ở cấp THCS.
0:00 / 0:00
0:00
Việc dạy các môn tích hợp tại cấp THCS đang gặp nhiều khó khăn.
Việc dạy các môn tích hợp tại cấp THCS đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều lúng túng

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở lớp 6, các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Ðịa lý được tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Ðịa lý.

Cô Hoàng Hải Vân, Giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, qua hai năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS cho thấy, đây là điều kiện để giáo viên tìm tòi, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng gặp những khó khăn nhất định. Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội còn bất cập khi chưa có giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tích hợp. Sách giáo khoa môn tích hợp vẫn được biên soạn theo những phân môn độc lập riêng biệt, không mang tính tích hợp về nội dung. Điều này dẫn đến tình trạng hai hoặc ba thầy cùng dạy một quyển sách và cùng chấm một bài khi kiểm tra, phân chia thời khóa biểu. Giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thật sự hiệu quả.

Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho rằng, chương trình yêu cầu dạy tích hợp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Việc bồi dưỡng theo khung chương trình của bộ cơ bản giúp giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp. Tuy nhiên, để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục có các giải pháp giúp giáo viên hiệu quả hơn.

Cô Hoàng Thị Thu Hương, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Hòa Bình (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cũng kiến nghị, Bộ trưởng GD&ĐT chỉ đạo các vụ liên quan có hướng dẫn sớm về việc xếp môn thi Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thi theo bài thi đơn lẻ như môn học cũ (Vật lý, Hóa học, Sinh học; Lịch sử, Địa lý) hay thi theo nội dung của môn học tích hợp. Trong khi đó ở cấp THPT không có các môn học tích hợp này.

Liên quan việc triển khai dạy học môn tích hợp (môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS), bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cũng từng có ý kiến: “Chương trình các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý hiện nay đã đúng là tích hợp chưa hay đó chỉ là lắp ghép các môn học thành phần lại với nhau?”. Bà Hoa cho rằng, đây là việc cần làm rõ hơn căn cứ vào cơ sở khoa học và thực tiễn đã triển khai các năm qua.

Cũng theo bà Mai Hoa, quá trình giám sát cho thấy các trường triển khai rất khác nhau với các môn tích hợp trên. Có nơi cho giáo viên tập huấn rồi yêu cầu một giáo viên dạy hết môn (gồm các phân môn khác nhau) trong khi hầu hết giáo viên hiện nay chỉ được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm. Có nơi phân bố thời khóa biểu để giáo viên đảm nhiệm các phần khác nhau tương ứng với chuyên môn được đào tạo. Nhưng vì thiếu giáo viên, vì chưa linh hoạt, chủ động trong thiết kế kế hoạch dạy học nên xảy ra các bất cập. Chẳng hạn như một giáo viên phải đảm nhiệm nhiều tiết/tuần dẫn đến tính logic, khoa học của môn học bị phá vỡ khi các trường phải loay hoay bố trí giáo viên, đảo lộn các phần khác nhau trong chương trình môn học này.

Bà Mai Hoa đề nghị phải có sự đánh giá về hiệu quả thực hiện, phân tích những vướng mắc đang phổ biến hiện nay. Và nếu duy trì môn học tích hợp, cần đào tạo giáo viên có thể đảm nhiệm môn học mới này.

Tránh xáo trộn

Trước ý kiến của nhiều nhà giáo về những khó khăn, bất cập liên quan đến dạy học môn học tích hợp ở cấp THCS theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ thay đổi trong thời gian ngắn sắp tới. Như vậy, việc thay đổi dạy môn tích hợp (Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật và nội dung giáo dục địa phương) nên được thực hiện như thế nào để không gây ra sự xáo trộn?

Nhiều giáo viên có đề xuất, Bộ GD&ĐT nên giữ nguyên Chương trình Giáo dục phổ thông điều chỉnh môn tích hợp thành phân môn để bảo đảm mục tiêu yêu cầu cần đạt của từng phân môn, mà không làm ảnh hưởng đến nội dung tổng thể Chương trình Giáo dục phổ thông, không cần in lại sách giáo khoa tích hợp. Những sách giáo khoa môn tích hợp đã được xuất bản thì không cần in lại hay tách riêng vì học sinh có thể sử dụng một quyển sách tích hợp lịch sử và địa lý để học hai môn: Lịch sử, Địa lý (tiết kiệm được tiền mua sách khác). Trong khi chưa có lực lượng giáo viên tích hợp được đào tạo bài bản, nếu vẫn tiếp tục sử dụng, thầy cô dạy đơn môn để dạy môn tích hợp thì chất lượng sẽ không bảo đảm và không đúng với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, việc để thầy cô dạy đơn môn của mình là cần thiết, hợp lý, khoa học trong hoàn cảnh này.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra đánh giá cần được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn. Chẳng hạn có thể thực hiện chấm điểm đơn môn để tránh gây rắc rối, phức tạp như cách đánh giá gộp chung môn tích hợp hiện nay. Đây là điều quan trọng nhất và Bộ GD&ĐT nên nhanh chóng điều chỉnh để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tốt hơn, đúng trọng tâm: dạy học phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh.

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là điểm mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. “Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó khăn dù đã được tập huấn, bồi dưỡng. Việc dạy các môn tích hợp, liên môn là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, là “điểm vướng, nghẽn, khó”.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Tinh thần là điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Bộ sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để cân nhắc kỹ lưỡng. “Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.