DA Khu B, Khu đô thị Đình Trám - Sen Hồ có quy mô đầu tư khoảng 115,93 ha, thuộc địa bàn hai xã Hoàng Ninh và Hồng Thái, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.284 tỷ đồng. Thời gian thực hiện DA 5 năm, từ tháng 3-2013 đến hết tháng 3-2018. Công ty CP Xây dựng và Thương mại Lam Sơn được giao làm chủ đầu tư (CĐT) thực hiện DA theo Quyết định phê duyệt lựa chọn CĐT Số 64/QĐ-UBND, ngày 18-1-2012 của UBND tỉnh Bắc Giang. Đây là DA thực hiện theo Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015; Chương trình phát triển Đô thị, dịch vụ huyện Việt Yên ngày 27-4-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; và nhằm phát triển thị trấn Bích Động tiến lên thị xã vào năm 2025.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Thời Nay, việc thực hiện DA là chủ trương lớn của tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Việt Yên nói riêng. DA cơ bản nhận được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, một số hộ dân có ruộng đất thuộc diện thu hồi để thực hiện DA đã có đơn phản ánh tới báo Thời Nay về việc không được nhận quỹ đất dịch vụ theo Quyết định số 211/QĐ-UBND ngày 26-2-2013 về việc chấp thuận đầu tư DA Khu B, Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ, huyện Việt Yên. Do đó, bà con đã không nhận tiền đền bù GPMB và cản trở việc thực hiện công tác GPMB của CĐT và lực lượng chức năng.
Giải đáp về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Văn Phương cho biết, DA Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ nằm trong danh mục công trình DA Nhà nước thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, được HĐND tỉnh phê duyệt theo Nghị quyết 10/NQ-HĐND ngày 10-7-2015. Diện tích thực hiện DA cũng nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của huyện Việt Yên và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 10-2-2015. Ngày 8-9-2015, Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa tại Công văn số 1609/TTg-KTN. Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai năm 2013, đây là DA thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng đất ở kinh doanh dịch vụ trước khi có Luật Đất đai năm 2013, nay đã được hỗ trợ bằng tiền theo quy định của Chính phủ là từ hai đến năm lần giá đất. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang quy định ở mức hỗ trợ là gấp ba lần.
Ông Nguyễn Văn Phương cũng cho biết thêm, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB bảy đợt, với tổng số diện tích được phê duyệt là 18,8 ha của 305 lượt hộ gia đình, cá nhân, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 39,983 tỷ đồng. Trong đó, đã chi trả tiền GPMB cho 175 hộ dân với diện tích 8,3 ha là 17,45 tỷ đồng. Cụ thể, mỗi sào (360 m²) ruộng của bà con nông dân sẽ được bồi thường và hỗ trợ hơn 78 triệu đồng, theo quy định pháp quy hiện hành. Ngoài ra, phía CĐT là Công ty CP Xây dựng và Thương mại Lam Sơn cũng đã hỗ trợ thêm cho bà con nông dân khoản kinh phí là 22 triệu đồng/sào.
Bên cạnh đó, đối với các hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất thu hồi hơn 70% diện tích của một định suất giao ruộng thì sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề một lao động với mức kinh phí hỗ trợ là 3,5 triệu đồng; các hộ gia đình, cá nhân có mồ mả cần di chuyển được bồi thường, hỗ trợ chi phí di chuyển.
Theo ông Phương, hiện nay vẫn còn khoảng 10,4 ha đất của những hộ nông dân chưa đồng thuận nhận tiền GPMB. UBND huyện Việt Yên đã chỉ đạo UBND hai xã Hoàng Ninh và Hồng Thái phối hợp đơn vị tư vấn tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ nhận tiền đền bù để DA triển khai đúng thời gian, đúng kế hoạch đã đề ra.
Về việc tiến độ thực hiện DA hiện đang bị chậm so kế hoạch đề ra, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, do một số hộ nông dân chưa đồng thuận phương án đền bù nên DA gặp trở ngại trong khâu GPMB. UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản gia hạn thêm thời gian thực hiện DA đến năm 2020. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Việt Yên, UBND xã Hồng Thái tích cực tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận trong nhân dân.
Xét thấy, số diện tích đất thu hồi của bà con thôn Hùng Lãm 2 để thực hiện DA Khu B, Khu đô thị Đình Trám - Sen Hồ đa phần là đất trồng lúa lâu năm. Và thực tế phần lớn bà con nơi đây thuộc diện gia đình thuần nông nên gặp rất nhiều khó khăn khi bị thu hồi đất. Chính vì vậy ngoài việc thực hiện chi trả số tiền hỗ trợ bồi thường GPMB kể trên, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang nên nghiên cứu, tăng cường các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề thiết thực và mạnh mẽ hơn để bảo đảm ổn định đời sống dân sinh và cơ bản ổn định tình hình kinh tế, chính trị trên địa bàn.