Cần tạo đột phá, động lực mới

Để vực dậy kinh tế TP Hồ Chí Minh từ “trận thua đậm” trong quý I/2023, bên cạnh nỗ lực của từng ngành, từng lĩnh vực, thành phố rất cần sự hỗ trợ từ phía trung ương, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ vướng mắc thể chế, cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đủ mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
TP Hồ Chí Minh cần những động lực mới để phát triển. Ảnh: NAM ANH
TP Hồ Chí Minh cần những động lực mới để phát triển. Ảnh: NAM ANH

Chưa có được thay đổi căn bản

Theo ông Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, TP Hồ Chí Minh với độ mở đặc biệt, khi môi trường vĩ mô thuận lợi thì kinh tế thành phố thuận lợi, còn khi bất lợi thì thành phố cũng bất lợi theo.

Theo đó, bước vào năm 2023, thành phố chịu ba tác động lớn. Một là hạ tầng, vấn đề tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được, là điểm nghẽn không mới. Hai là, chưa đánh giá hết những tác động, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ sản xuất, kinh doanh. Ba là, tác động bất ổn của vĩ mô từ quý IV/2022 tiếp tục lan sang năm nay. Những vấn đề này vẫn đang tồn tại và có những cái thành phố tháo gỡ được, nhưng cũng có những cái chưa được.

Nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu nhưng suốt 15 - 20 năm chưa có được thay đổi căn bản. Thành phố có đề xuất nhiều cái hay nhưng ít được áp dụng, như mô hình chính quyền đô thị. Hiện nay, kinh tế thành phố suy yếu về vị thế dù nội lực vẫn dồi dào; những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng lên như giao thông, ngập nước, tắc nghẽn hạ tầng… những động lực mới không được đưa ra. Do đó, để vực dậy kinh tế rất cần sự hỗ trợ từ phía trung ương, các bộ, ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc thể chế, cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đủ mạnh. Phải tạo ra những đột phá, động lực mới cho TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, ông Thiên cũng lưu ý, phải có những dự án đột phá cùng với đột phá về thể chế. TP Hồ Chí Minh muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước. Có thể có những dự án đột phá như Cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại... để kéo thế giới vào đây. Các yếu tố này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cùng Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai - Bình Dương hình thành cụm đi đầu về mặt thể chế, trung tâm thử nghiệm thể chế cho cả nước. Có như vậy, rủi ro sẽ giảm đi và cộng hưởng sức mạnh của vùng tăng lên, khả năng bứt phá cao hơn rất nhiều.

“Gỡ” những vấn đề căn cơ

Để kinh tế sớm phục hồi, ông Trần Du Lịch kiến nghị, phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua hai công cụ của nhà nước và công cụ của doanh nghiệp. Công cụ của nhà nước là nghiên cứu tiếp tục giảm thuế GTGT theo từng ngành, không chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà cần giảm xuống 5 - 6%. Hai là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng. Về phía doanh nghiệp, cần kích cầu thị trường nội địa trên tất cả các mặt với một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi, trong bối cảnh xuất khẩu khó như hiện nay, nếu không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ rất khó, ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với TP Hồ Chí Minh, về giải pháp tình thế, cần “rà” những điểm nghẽn có thể xử lý được để hấp thụ được dòng vốn đầu tư công, nhất là thị trường bất động sản, vì nếu không xử lý được thì các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Còn về căn cơ, Quốc hội đang bàn về Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, nếu được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên thành phố có quyền tự chủ rất lớn.

Đặc biệt, cần thiết triển khai sớm chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch thành phố, chiến lược marketing du lịch thành phố cũng như tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch dành cho du khách quốc tế và nội địa đến Việt Nam và TP Hồ Chí Minh trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp như lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác phân phối lớn trong các hoạt động marketing du lịch; giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch nhằm tạo ra chính sách giá thuận lợi nhất cho du khách nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm hấp dẫn du khách… Các sản phẩm du lịch cần đi vào chiều sâu trên cơ sở liên kết nhiều đơn vị với nhau tạo ra chuỗi giá trị hấp dẫn, đặc biệt chú trọng khai thác, phát huy văn hóa bản địa.