“Không nghĩ con bị bệnh!”
Nguyễn Châu A đang học lớp 9 một trường THCS có tiếng tại Hà Nội. Đợt thi thử vào trường chuyên THPT vào giữa tháng 3 vừa qua, em bị điểm thấp môn Toán và môn chuyên. Châu A hụt hẫng, còn bố mẹ em thì sao? Chị Th, mẹ của A tâm sự với cô giáo chủ nhiệm: “Ở nhà A không phải đụng chân, đụng tay bất kể việc gì. Sắp thi lên lớp 10 nên bố mẹ A thay nhau đưa đón con đi học cả ở trường lẫn các lớp học thêm. Lịch học của A kín đặc, riêng môn chuyên (tiếng Anh) A học thêm tận hai cơ sở. Bố mẹ cũng chỉ biết bồi dưỡng ăn uống và rất mong con đỗ vào các trường chuyên cấp 3”.
Châu A tâm sự: “Em cảm thấy mệt mỏi khi biết bố mẹ hướng em thi vào mấy trường chuyên THPT, cả trường của sở và trường của bộ. Em chỉ biết học. Càng về giai đoạn nước rút này, em lại càng cảm thấy lo lắng và áp lực. Sau khi thi thử, em bị điểm thấp nên lại càng mất tự tin. Tuy nhiên, em cũng không biết chia sẻ với ai. Những lần trước, định tâm sự với bố mẹ nhưng biết làm sao khi bố mẹ đều mong muốn em đỗ các trường chuyên cấp THPT. Sau những lần ấy, em chỉ chọn cách im lặng”. Còn mẹ của Châu A cũng có nỗi niềm: “Mình cứ nghĩ con mình đẻ ra thì chắc chắn là mình hiểu nhưng có những vấn đề mà con không thể chia sẻ được với bố mẹ, mà những điều ấy là thầm kín mình cũng không biết được”.
Mấy đợt ở nhà dài ngày do dịch bệnh vừa qua, anh Lê Văn H (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới có dịp tiếp xúc với con nhiều hơn. Thấy cậu con trai học lớp 10 hay có biểu hiện lo lắng thái quá kèm theo lo âu, buồn bã, chán nản, không thích chia sẻ với bất kỳ ai, anh H nghĩ có lẽ do dịch bệnh, con đang trải qua thời gian thay đổi tâm sinh lý, lại vừa phải rời xa bạn bè, trường lớp... nên mới như vậy.
Tuy nhiên, tâm lý dồn nén lâu đã gây ra bệnh. Em học sinh lớp 10 này mới được phát hiện bị trầm cảm. Lúc này, bố của em mới cho rằng: “Thấy biểu hiện của cháu, tôi không nghĩ cháu bị bệnh. Tôi thấy cháu ít nói cứ nghĩ đang tuổi mới lớn nên cũng không để ý!”. Thực tế, theo các chuyên gia, vì không để ý nên rất nhiều trẻ mắc bệnh, phụ huynh không hay biết. Để rồi áp lực dồn nén ngày một lớn dẫn đến những khoảng trống trong tâm lý gây ra rối loạn sức khỏe tâm thần.
Thời gian gần đây, những trường hợp trẻ vị thành niên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần liên tục đến khám và tư vấn, trị liệu tại Bệnh viện Nhi T.Ư có dấu hiệu tăng. Phổ biến nhất vẫn là rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi cảm xúc như lo âu, sang chấn tâm lý. TS Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử xuất phát từ những mối quan hệ bất hòa, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội, nhưng không được chia sẻ để giải quyết. Yếu tố bạo lực gia đình, học đường cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi tiêu cực ở trẻ.
Còn theo PGS, TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư, việc trẻ lạm dụng thiết bị điện tử, như: Tivi, điện thoại, máy tính cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trầm cảm và tự sát gia tăng. Tiếp xúc với các thiết bị điện tử lâu ngày khiến trẻ ngày càng thu hẹp trong thế giới của riêng mình. Có nhiều bệnh nhi sau một thời gian dài nghiện game khi tới bệnh viện thăm khám đều trong tình trạng buồn chán, lo âu. Thậm chí, có những trẻ chia sẻ muốn tự tử chỉ vì học theo những clip trên mạng...
Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) thời gian qua cũng đã tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên, thanh niên đến khám các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bác sĩ Trần Thị Sáu, Khoa Khám bệnh của bệnh viện cho biết, phần lớn các bệnh nhân đến khám đều chung một nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phải học trực tuyến thời gian dài. Đơn cử như có trường hợp nữ học sinh lớp 12 tại Hà Nội đến khám với các biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm khá nặng đến mức tự dùng dao cắt tay chảy máu. Với trường hợp này, bác sĩ đã phải cho bệnh nhân dùng thuốc kết hợp với gia đình dùng biện pháp điều trị tâm lý.
Theo các chuyên gia, “Sức khỏe tâm thần học đường” là một thuật ngữ được đề cập nhiều những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề tâm lý học đường nghiêm trọng và đại dịch Covid-19. Tuy vậy, cũng có những tiếp cận và cách hiểu chưa đúng về thuật ngữ này, khiến cho việc chẩn đoán và điều trị những vấn đề của sức khỏe tâm thần gặp khó khăn. Từ “tâm thần” trong giao tiếp thường ngày được dùng để chỉ một chứng rối loạn tâm lý hay một loại bệnh. Trong trường học, khi nói đến “sức khỏe tâm thần”, không ít người nghĩ đến những trường hợp học sinh có vấn đề rối loạn tâm lý, tự kỷ, tăng động... mà không nhận ra rằng đó là vấn đề ở cả trẻ em và người trưởng thành. Không chỉ học sinh, mà cả giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều cần quan tâm và chăm sóc “sức khỏe tâm thần”. Nhận thức sai lầm sẽ khiến cho quá trình chẩn đoán và chăm sóc không đúng, làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần học đường.

Phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo
Theo Ths, bác sĩ Bùi Phương Thảo, Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương: “Nhiều phụ huynh cứ nghĩ là họ quan tâm đến trẻ nhưng thật ra họ quan tâm chưa đúng cách đến các dấu hiệu của trẻ. Khi họ đưa trẻ đến khám và điều trị thường là các trường hợp đã khá nặng nên điều trị khó khăn hơn. Những bệnh đó rõ ràng mình có thể ngăn chặn và chữa trị kịp thời được. Thứ hai là khi mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần thì khả năng lao động và học tập của trẻ giảm từ 40-70%. Bản thân các bạn ấy sẽ cảm thấy không hạnh phúc, tâm lý luôn nặng nề và lúc nào cũng có ý nghĩ về cái chết”.
Để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời khi trẻ có dấu hiệu về sức khỏe tâm thần, theo bác sĩ Trần Thị Sáu, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), vai trò của người thân là rất quan trọng. Bố mẹ thường xuyên phải quan tâm, giám sát các con để phát hiện những bất thường ở trẻ. Chẳng hạn như trước đây con vui vẻ, hoạt bát, ngoan hiền, nhưng bỗng nhiên thấy con có những thay đổi bất thường về hành vi, hay cáu gắt, rối loạn giấc ngủ thì cần đi khám chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt.
PGS, TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư lưu ý, đối với nhóm trẻ trầm cảm-đối tượng dễ bị tổn thương và đi đến những suy nghĩ tiêu cực, có ba tiêu chuẩn chính và bảy tiêu chuẩn phụ để xác định trẻ mắc bệnh.
Theo đó, ba tiêu chuẩn chính bao gồm: Khí sắc của người bệnh giảm, nét mặt thiếu tươi tắn, luôn buồn rầu, ủ rũ, chán nản; các hoạt động hằng ngày bị giảm, trẻ mất đi hứng thú; cơ thể mệt mỏi.
Bảy tiêu chuẩn phụ, gồm: Trẻ giảm tập trung, học hành sa sút, luôn do dự và không quyết đoán trong các vấn đề của cuộc sống; thiếu sự tự tin, luôn nghĩ mình yếu kém và mặc cảm với bản thân; nhìn mọi việc đầy bi quan, ảm đạm; cảm giác tội lỗi, cho rằng những thất bại, sai lầm đều xuất phát từ hành động của mình; trẻ suy nghĩ, có ý định và hành vi tự sát; rối loạn giấc ngủ; ăn uống kém, gầy mòn.
Một trong những dấu hiệu khá phổ biến của trẻ trước khi đi tới các suy nghĩ tiêu cực như tự sát, theo TS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi TƯ, đó là rối loạn giấc ngủ. Khi phát hiện dấu hiệu này ở trẻ, cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này để tìm cách xử lý kịp thời…

Tư vấn tâm lý học đường còn… xa lạ
Trước những vấn đề đó, các cấp quản lý giáo dục đã thúc đẩy sự quan tâm đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31 ngày 18/12/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Tuy mỗi địa phương đã có những bước đi và cách làm khác nhau, nhưng nhìn chung công tác này vẫn còn nhiều khoảng trống, chủ yếu theo hướng... dự án. Hoạt động tư vấn tâm lý học đường từ mô hình tổ chức lẫn quy định về chuyên môn, biên chế, chế độ chính sách phần lớn đang trong giai đoạn “mò mẫm”.
TS, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: Thực tế, chúng tôi thấy có những khoảng trống và chúng ta cần phải giải quyết sớm, cần chăm sóc sức khỏe lứa tuổi học đường một cách toàn diện. Ở các trường học nên có phòng quản lý tâm lý và các rối loạn về sức khỏe tâm thần cho học sinh. Nếu các đơn vị này phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể quản lý hay can thiệp kịp thời được cho “bệnh nhân”. Còn để đến khi nặng, quá khả năng thì cần phải can thiệp chuyên khoa.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi được hỏi về phòng tâm lý học đường đặt tại trường học, phần lớn các em học sinh đều rất bỡ ngỡ. Tỏ ra bất ngờ về cụm từ “phòng tư vấn tâm lý”, Nguyễn Nam Anh (học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội) cho biết, bản thân chưa bao giờ nghe thấy thầy, cô nhắc đến bộ phận này ở trường học. Nam Anh cho biết, chính em và các bạn học sinh cuối cấp hiện nay có rất nhiều áp lực về học tập, thành tích, tương lai... Thậm chí, nhiều áp lực lại đến từ chính gia đình và nhà trường, khiến các em mệt mỏi. “Nếu có một phòng tư vấn tâm lý học đường đúng nghĩa, có các chuyên gia hỗ trợ, chúng em sẽ tìm đến. Nếu được như vậy, học sinh sẽ có nơi giãi bày, không sợ ai biết và sẽ nhận được những lời khuyên cũng như cách giải quyết phù hợp với vấn đề mình đang gặp phải”, Nam Anh nói.
Quay trở lại trường học tập trực tiếp, được gặp gỡ bạn bè, thầy cô là niềm vui lớn của Nguyễn Thanh H (học sinh lớp 9, quận Đống Đa, Hà Nội). Tuy nhiên, sau quãng thời gian dài học trực tuyến do đại dịch Covid-19, cộng thêm nỗi lo về kỳ thi chuyển cấp sắp tới, H lại mang trong mình nhiều áp lực. Cô học trò lớp 9 cho biết, bản thân chưa từng tâm sự với giáo viên hay chuyên gia tâm lý nào ở trường, bởi phòng tư vấn tâm lý nằm ở đâu em cũng không biết. H cũng tỏ ra e ngại về việc gặp gỡ trực tiếp hay chủ động liên hệ với giáo viên để giải đáp thắc mắc hay nhận sự tư vấn về học tập, cuộc sống.
Trao đổi ý kiến về vấn đề trên, cô Ngô Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói rằng, nhiều năm nay, giáo viên đang làm công việc kiêm nhiệm, đảm nhiệm nhiều vai cùng một lúc. Theo đó, chỉ có một số giáo viên phụ trách trực tiếp được học bồi dưỡng có chứng chỉ, nhưng vẫn không phải chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh. “Điều chúng tôi mong mỏi nhất hiện nay là có nhân sự thuộc tổ tư vấn học đường là chuyên gia tư vấn tâm lý có chuyên môn, giúp đỡ và hỗ trợ học sinh về mặt tâm lý”, cô Thủy nói.
“Các chuyên gia tâm lý học cũng đã khuyến nghị rằng, mỗi trường học cần phải có một phòng tâm lý chuyên trách. Tức là người làm công việc đó phải là được đào tạo tâm lý học và thậm chí phải có bằng thực hành về mặt tâm lý học”, TS tâm lý học Nguyễn Thị Chính nêu quan điểm. Hiện tại, hoạt động tư vấn tâm lý ở các trường hầu hết đều giao cho giáo viên kiêm nhiệm. Khó khăn rất lớn là giáo viên còn có rất nhiều nhiệm vụ khác, họ không thể tập trung vào nhiệm vụ tư vấn tâm lý. Họ cũng không có khả năng chuyên sâu và thiếu điều kiện về không gian, vật chất để bảo đảm yêu cầu về sức khỏe tâm thần cho học sinh. “Tôi cũng đã từng đến một số phòng tâm lý học đường. Một số trường học phòng tâm lý được lồng ghép vào những hoạt động khác như đoàn, đội, như vậy chưa tạo ra không gian đủ an toàn và thân thiện đối với học sinh”, bà Chính chia sẻ.

Thiết lập ngay các kênh hỗ trợ tâm lý học đường
GS, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng đóng góp ý kiến: “Một điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tăng cường các hoạt động trải nghiệm. Tôi cho rằng điều này cũng sẽ góp phần giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết bên cạnh việc học kiến thức. Trường học của chúng ta dạy rất nhiều, thi rất nhiều nhưng chủ yếu là các môn để phục vụ thi cử trong khi để phát triển toàn diện, học trò cần được trang bị cả đạo đức, kỹ năng và trải nghiệm. Khi các em chịu nhiều áp lực về thành tích, tâm sự bị dồn nén, điều đó rất nguy hiểm nên hãy chú trọng phòng ngừa trước khi có các hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
Giải pháp để lấp khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam không hề đơn giản. Phần vì hệ thống cơ sở chuyên khoa còn hạn chế, nhân lực chuyên môn thiếu. Hiện, cả nước chỉ có gần 1.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trong khi số người mắc các căn bệnh liên quan tâm thần ngày càng nhiều. Vì vậy, nhu cầu cấp bách hiện nay là phát triển đào tạo để có thêm nhân lực, xử lý tốt những rối loạn tâm lý, nhất là trong hỗ trợ, chăm sóc thanh thiếu niên.
Số trường hợp học sinh mắc bệnh trầm cảm vừa được phát hiện thời gian qua cho thấy, phần lớn là bột phát khi các em bước vào lứa tuổi vị thành niên. Đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, hình thành nhân cách nên rất cần sự chăm sóc đúng nghĩa, phù hợp của gia đình và nhà trường, sự quan tâm của cả xã hội, nhưng quan trọng nhất vẫn là cha mẹ của các em, những người gần gũi và có ảnh hưởng nhiều nhất tới các con. Với tuổi mới lớn, sẽ có nhiều điều các em thấy khó chia sẻ với bố mẹ, những khúc mắc về chuyện kết bạn, chuyện học hành, chuyện tình yêu hay đơn giản là cắt một kiểu tóc mới thôi nhiều khi cũng gây nên sự xung đột, tranh cãi. Tất cả đều thấy rằng: “Chia sẻ, chia sẻ và chia sẻ” có thể giải tỏa được những uẩn ức từ phía bên trong của các em.
Theo các chuyên gia tâm lý, tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ ngày càng phổ biến, đặc biệt trong đại dịch, một số nhóm là khẩn cấp. Nếu trì hoãn hỗ trợ và trị liệu tâm lý kịp thời đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ, sẽ khiến mức độ tổn thương nghiêm trọng hơn trong tương lai. Trẻ cần thầy, cô và phụ huynh dành nhiều sự quan tâm đến đời sống tinh thần, chứ không chỉ sức khỏe thể chất và kết quả học tập. Bởi vậy, cùng với phương án cho học sinh đến trường trở lại, rất cần những phòng tư vấn tâm lý học đường đúng nghĩa để đồng hành với học sinh, giúp các em vượt qua khó khăn, thích nghi và ứng phó với điều kiện bình thường mới trong đại dịch.
Trên thế giới có 10-20% số trẻ em và thanh thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 40 giây, thế giới có một người tự tử (tương đương 800.000 ca tự tử/năm). Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai đối với lứa tuổi 15-29 trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Còn theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6%, trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Sáng 9/4/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố. Thủ tướng chỉ đạo: “Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương tăng tốc tiêm vacicne cho học sinh, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, hậu cần phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm mở cửa trường học an toàn, thông suốt, hiệu quả; thiết lập kênh tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý cho trẻ em, nhất là những em gặp sang chấn tâm lý”.
Những cơ sở thăm khám và điều trị sức khỏe tâm thần trên địa bàn Hà Nội:
-Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Hotline: 0984.104.115
- Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương
- Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương
- Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
- Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E
- Bệnh viện Tâm thần Hà Nội
- Khoa A6, Bệnh viện Quân y 103
- Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương
- Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Lão khoa Trung ương
- Phòng khám Tâm thần của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Xây dựng và các phòng khám chuyên khoa Tâm thần trên địa bàn thành phố Hà Nội.