Cần giải pháp xử lý triệt để chất thải rắn đô thị

Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội, số lượng lớn chất thải rắn bị thải ra môi trường do các hoạt động xây dựng là quá nhiều. Tình trạng này gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, song các lực lượng chức năng dường như chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều bãi đất trống bị tận dụng làm nơi tập kết rác thải.
Nhiều bãi đất trống bị tận dụng làm nơi tập kết rác thải.

Ngang nhiên đổ thải

Nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố thường xuyên xuất hiện tình trạng đổ trộm rác thải vật liệu xây dựng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cảnh quan đô thị. Những đống rác thải xây dựng chẳng biết từ đâu cứ thế xuất hiện bên vệ đường, trên các khu đất trống, ven sông hồ tại các khu dân cư trên địa bàn quận, huyện của thành phố gây bức xúc dư luận.

Trong thời gian dài, hàng trăm lượt xe tải chở phế thải xây dựng vẫn lũ lượt kéo vào ngõ 76, đường An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) đổ trộm nhằm lấn đất bãi sông Hồng. Tại đây, đất thịt cũng được tập kết sẵn để sau khi đổ thải sẽ phủ thêm một lớp đất lên trên bề mặt. Dù giữa ban ngày, hoạt động san lấp bằng phế thải vẫn diễn ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra, bao nhiêu xe chở phế thải đi vào là bấy nhiêu xe trống đi ra. Chỉ tính riêng đoạn từ phường Nhật Tân đến địa bàn phường Yên Phụ, phường Ngọc Thụy, tại khu vực đất bãi có rất nhiều khu vực đổ thải trái phép. Sau khi san lấp xong, một thời gian sau trên nền đất này sẽ xuất hiện nhà xưởng, nhà kho, bãi đất trống cho thuê đỗ xe… của một “ông chủ” nào đó. Tình trạng đổ trộm phế thải rồi lấn chiếm đất công trái phép cứ lặp đi lặp lại, dần dần biến đất công ven sông thành đất của tư nhân. Chẳng thế mà ở một số khu vực ngoài bãi sông Hồng, chẳng biết từ bao giờ đã hình thành cả trăm nhà xưởng dù xây trái phép nhưng không thấy ai xử lý.

Tương tự, tại khu đất trống cạnh khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) thi thoảng xuất hiện những bãi rác “lộ thiên” với đủ các loại bàn ghế, vật liệu xây dựng, rác thải sinh hoạt vứt tràn lan trên khu đất mặc dù đã có biển cấm. Người dân sinh sống quanh khu vực cho biết, cư dân nơi đây đều thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về vấn đề vệ sinh môi trường, trong đó có việc đổ rác đúng giờ và tập kết rác đúng nơi quy định. Song, rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng tập kết bừa bãi ở đây là do đổ trộm. Tình trạng này đã và diễn ra nhiều lần, người dân đi lại khu vực này rất bức xúc, mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để xác minh, xử lý tình trạng này, tránh ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Xử lý còn bất cập

Nhìn vào những thùng chứa rác thải khu dân cư, những điểm tập kết rác, những xe thu gom rác… mới thấy hiện trạng của việc phân loại rác thải tại nguồn hiện nay còn nhiều bất cập. Tình trạng rác thải hữu cơ (cuống rau, thực phẩm thừa, vỏ hoa quả…) trộn lẫn với rác thải vô cơ (túi nylon, hộp xốp, ống hút nhựa, thủy tinh vỡ, gốm sứ vỡ…) vứt bừa bãi ở chỗ trống diễn ra thường xuyên, người dân chướng tai gai mắt nhưng không biết làm thế nào để xử lý triệt để.

Hiện nay, khoảng 90% rác thải sinh hoạt của Hà Nội được xử lý theo phương thức chôn lấp truyền thống, chỉ 10% áp dụng công nghệ cao. Việc chôn lấp chủ yếu được thực hiện tại các bãi tập kết rác thải chủ yếu ở bãi Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, bãi rác Nam Sơn lại trở thành điểm ô nhiễm môi trường lớn nhất Hà Nội và gây ra tình trạng khủng hoảng cuộc sống của người dân khu vực này. Những năm gần đây, người dân phản đối, thậm chí có các hành vi cản trở việc tập kết rác tại bãi Nam Sơn khiến việc ùn ứ rác thải diễn ra thường xuyên. Điều này cho thấy vấn đề thu gom rác thải và chất thải rắn thiếu sự đa dạng trong lựa chọn. Sự phụ thuộc hoàn toàn vào bãi rác Nam Sơn khiến thành phố phải trả giá khi hoạt động của bãi rác này bị đình trệ.

Đến thời điểm hiện tại, việc thí điểm phân loại rác thải mới chỉ thực hiện ở một số quận nội thành, nhưng chưa thu được kết quả như mong đợi. Việc phân loại rác thải tại nguồn, hiện mới thí điểm ở huyện Đông Anh, chưa thể triển khai ở quận nội thành vì không có đủ quỹ đất để thực hiện. Chưa kể, đặc điểm của từng quận, huyện khác nhau, các quận phải tùy thuộc vào tình hình ở địa phương rồi mới xây dựng kế hoạch, nên để nhân rộng mô hình rồi triển khai rộng rãi là vấn đề không hề đơn giản.

Ths Trần Hoài Sơn, giảng viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, phương pháp xử lý phế thải xây dựng phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam là đổ bừa bãi và hỗn hợp bê-tông, gạch và đất từ các khu vực xây dựng đều được đổ tại các bãi chôn lấp. Việc thiếu các giải pháp quản lý chất thải nguy hại như amiăng, chất thải chứa nhựa than và thủy ngân làm tăng nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, các phế thải có thời gian phân hủy quá lâu còn gây ô nhiễm đến nguồn nước và không khí. Bên cạnh đó, một số phế thải xây dựng dù có giá trị lớn cho việc tái sử dụng và tái chế nhưng hiện các nhà máy, cơ sở tái chế vẫn chưa được phát triển đầy đủ nên đây vẫn là vấn đề làm “đau đầu” các nhà quản lý đô thị.